Những ngày này gia đình anh Nguyễn Văn Phục ở làng nghề thêu ren Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Nội) trở nên tấp nập, bận rộn hơn. Mỗi ngày gia đình anh phải sản xuất và chuyển đi 500 - 600 lá cờ đi khắp cả nước.
 
Anh Nguyễn Văn Phục, cho biết: Chúng tôi là làng nghề thì ngày nào chúng tôi cũng làm nhưng những ngày dịp lễ Tết của đất nước thì chúng tôi bán những sản phẩm nhiều hơn, tăng hơn và những đồng vốn chúng tôi bỏ ra trước đó để đầu tư thì những ngày này chúng tôi lại thu hồi lại.
 
Để nâng cao hiệu quả làm việc và sản phẩm đạt được độ chính xác cao, đúng tiêu chuẩn kích thước, tỷ lệ, gia đình anh Phục đã nâng cấp máy móc, đầu tư máy cắt vải bằng laser.
 
Anh Nguyễn Văn Phục cho biết thêm: Những năm gần đây nữa thì công nghệ vi tính đã hỗ trợ cho chúng tôi rất nhiều về lao động vì lao động trong nông thôn ngày càng mai một nên mượn thợ hơi khó cho nên chúng tôi sử dụng kĩ thuật để cho sản phẩm đẹp hơn và có kĩ năng kĩ thuật cao hơn so với cả trước.
 
Gia đình anh Phục đã 4 đời nay lưu giữ nghề may cờ Tổ quốc. Thu nhập từ nghề không nhiều nhưng động lực để những người dân nơi đây theo nghề đến bây giờ chính là niềm tự hào có thể góp một phần làm nên hình ảnh lá cờ Tổ quốc thiêng liêng.
 
Chị Đào Thị Duyên, Thôn Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Nội) nói: Tôi làm nghề này tôi thấy rất là vui và tự hào vì nó rất có ý nghĩa với tất cả mọi người trên Việt Nam chúng ta.
 
Để có một lá cờ Tổ quốc tung bay trên khắp phố phường dịp đại lễ lớn của dân tộc thì đòi hỏi người thợ phải hết sức cẩn thận, tỉ mỉ đến từng chi tiết của sản phẩm và những lá cờ này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân nơi đây mà còn chứa đựng trong đó cả một niềm tự hào dân tộc.

Theo ANTV