Ký sinh trùng là mối đe dọa lớn nhất đối với các đàn ong - loài vật trung gian rất cần cho quá trình thụ phấn cho cây trồng của chúng ta. Nhiếp ảnh gia Anand Varma đã nuôi ong trong vườn nhà anh ở Berkeley, bang California, Mỹ để ghi lại 21 ngày đầu đời của chúng cũng như nêu bật vấn đề bét ký sinh.

Để thực hiện dự án có sự ủy thác của tạp chí National Geographic, anh Varma đã dùng thiết bị đặc biệt để quay phim các con ong bên trong tổ của chúng để tạo ra một đoạn video tốc độ cao, tua nhanh quá trình phát triển của chúng.

Nhiếp ảnh gia Mỹ giải thích, ong giúp thụ phấn cho 1/3 số cây lương thực của con người, nhưng sống rất vất vả do thuốc trừ sâu, bệnh dịch và sự mất mát môi trường sống. Tuy nhiên, hiểm họa đơn lẻ lớn nhất của chúng là một loại ký sinh trùng có nguồn gốc châu Á: bét varroa destructa.

Những con bét có kích thước bằng đầu đinh ghim bò lên trên các con ong non và hút máu của chúng. Lũ bét cuối cùng sẽ phá hủy toàn bộ các tổ ong, vì chúng khiến các con ong dễ bị tổn thương trước bệnh tật và stress hơn.

Theo anh Varma, ong dễ bị ảnh hưởng nhất khi đang phát triển trong các ngăn tổ. Đoạn video ngắn của anh hé lộ quá trình các trứng ong ấp nở thành ấu trùng trong suốt và ngọ nguậy. Các ấu trùng mới nở này bơi quanh trong ngăn tổ của chúng để ngốn ngấu thứ chất nhờn màu trắng do những con ong vú nuôi tiết ra.

Sau đó, phần đầu và chân của ấu trùng ong dần dần vi phân, khi chúng biến đổi thành nhộng. Ở thời điểm này trong video, chúng ta có thể nhìn thấy các con bét bò qua các con nhộng ong trong tổ. Quá trình cuối cùng là lớp da nhộng teo lại và chúng bắt đầu mọc lông.

Để ngăn các con bét tấn công các tổ ong, người nuôi ong thường dùng các hóa chất xử lý tổ bằng gỗ của chúng, nhưng cách làm này không có lợi về dài hạn. Các nhà khoa học đang cố gắng tìm ra các biện pháp thay thế. Họ khám phá ra rằng, một số loài ong trong tự nhiên dễ bị tổn thương trước bét hơn so với những loài khác và họ đã lai tạo thành công một giống ong kháng bét, thông qua thụ tinh nhân tạo cho ong chúa.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhận ra rằng, mặc dù ong biến đổi gen ít trở thành mục tiêu tấn công của các ký sinh trùng hơn, nhưng chúng cũng mất đi một số đặc tính có ích, chẳng hạn như tính hiền hòa và khả năng cất giữ mật. Các chuyên gia hy vọng, các nỗ lực nghiên cứu không ngừng nghỉ hiện nay sẽ giúp họ một ngày nào đó có thể kết hợp các giống ong biến đổi gen, lựa chọn được giống kháng bét và hữu ích nhất cho con người.

Tuấn Anh(Theo Daily Mail)