VietNamNet giới thiệu phần 2 cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng và CEO Đỗ Thùy Dương (Công ty Talent Pool) nhân ngày Phụ nữ VN.

Việt Lâm:Vũ khí bí mật của một người phụ nữ trong công việc là gì? Tôi nhớ rằng bà Chi Lan là thành viên nữ duy nhất trong Ban nghiên cứu Thủ tướng. Giữa thế giới toàn đàn ông như thế thì việc là phụ nữ có mang lại lợi thế gì cho mình trong công việc hay không?

Bà Phạm Chi Lan: Từ hồi tôi làm việc ở Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cũng như sau này làm việc trong các nhóm nghiên cứu kinh tế, mọi người thường hay gọi đùa tôi là người phụ nữ duy nhất trong thế giới đàn ông. Bởi vì những đoàn doanh nghiệp nước ngoài khi sang đây gồm toàn những ông tây cao to, vậy mà người gặp họ lại là tôi, người thì bé tý, mà lại là người phụ nữ duy nhất ở đấy. Lúc đầu họ rất ngạc nhiên, nhưng về sau câu chuyện trao đổi thú vị, thành ra họ mới đặt cho tôi cái biệt danh này.

Thực ra, trong thế giới kinh doanh, nhất là tầm cỡ đại gia, ở nhiều nước họ vẫn nghĩ đến giới đàn ông nhiều hơn, mặc dù thực tế có những nữ doanh nhân rất thành công. Còn trong số làm nghiên cứu thì phụ nữ còn hiếm. Có lẽ vì nhiều chị rất giỏi nhưng chưa có điều kiện để được lên tiếng hay tham gia tranh luận như tôi.

Lúc tôi làm việc ở Ban nghiên cứu Thủ tướng thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải thì ban làm việc theo cách mỗi người tự nghiên cứu theo những đề tài được đặt ra. Tuy nhiên, khi tranh luận hết sức thoải mái, cởi mở, tranh luận cho đến khi nào bật ra được một số ý tưởng thì thôi. Các vị Thủ tướng đều yêu cầu khi trưởng ban trình ý kiến lên Thủ tướng thì phải nêu tất cả các ý kiến ra chứ không đưa ý kiến trưởng ban hoặc ý kiến đa số. Tôi nghĩ đấy là một cách rất hay để mọi người đều lên tiếng được.

Thú thực, trong những tình huống đó, không phải lúc nào tôi cũng ý thức mình là phụ nữ mà luôn nghĩ mình phải cố gắng tham gia, đóng góp như mọi người. Là phụ nữ mình lại càng không muốn thua những người khác, không muốn vào đấy chỉ để làm cảnh.

Tôi cho là đối với phụ nữ nói chung trong công việc thì ý chí là cái quyết định để mình có thể tiếp tục vượt lên trong những bối cảnh khác nhau, đóng góp được nhiều hơn.

Việt Lâm:Trong những cuộc tranh luận như thế thì có khi nào bà bị đàn ông áp đặt hay không?

Bà Phạm Chi Lan: Áp đặt thì cũng tùy từng người. Nói chung, đàn ông có một xu hướng là hay khăng khăng bảo vệ ý kiến của mình, kể cả người nước ngoài cũng vậy.

Tôi đã từng trải qua những tình huống làm việc với cả người VN và người nước ngoài, trong đó hai bên tranh luận với nhau rất căng. Bên nào cũng nghĩ mình đúng, tại sao bên kia chướng thế, đòi hỏi lắm thứ thế. Là người phụ nữ duy nhất ở đó nên mình lại có cách để làm dịu không khí xuống, bằng cách nói cho mỗi bên một chút. Với phía đối tác thì giải thích: Các anh nói như thế bởi vì chưa hiểu điều kiện của chúng tôi. Rất nhiều lần tôi đã phải nói với các nhà đầu tư, các doanh nhân nước ngoài vào VN rằng: Bạn phải biết khi bạn vào đây là bạn vào một nước còn đang phát triển. Thứ nữa, VN còn đang là một nền kinh tế chuyển đổi nên nhiều thứ chưa thể bằng được các nước khác. Nếu bạn cứ muốn môi trường hoàn thiện thì có lẽ bạn nên sang Singapore mà làm việc. Nhưng chính vì VN chưa hoàn thiện lại đem đến những cơ hội lớn mà các thị trường hoàn thiện không có. Bởi vì mọi thứ đều phát triển cả thì họ đâu cần nhiều nguồn lực từ bên ngoài nữa như VN. Nhiều khi nói thế họ lại chấp nhận, dịu giọng xuống.

Còn đối với phía VN thì lại phải nói là: các anh phải hiểu là người ta đến từ một nền tảng kinh tế hoàn toàn khác nên nhiều khi người ta đòi hỏi một môi trường kinh doanh đủ minh bạch để người ta hiểu được, đủ an toàn để người ta làm việc được. Nếu mình chưa có thì mình phải cố gắng thuyết phục người ta và thể hiện thái độ nghiêm túc chứ tranh luận nhiều quá cũng chẳng ra việc.

Tôi nghĩ một phần là phụ nữ nên mình dễ nói chuyện, nhưng còn lý do khác là vì khi làm việc bao giờ tôi cũng cố gắng hiểu bên kia, đặt mình vào cương vị người ta. Nếu cứ chăm chăm nghĩ đến mình thôi thì rất khó để hai bên đến được với nhau.

Phạm Chi Lan, sếp nữ
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan. Ảnh: Lê Anh Dũng



Việt Lâm:Phải nói rằng thời gian qua, VN đã có nhiều CEO nữ rất thành công, thậm chí có những nữ tướng dẫn dắt các doanh nghiệp đầu đàn như CEO của Vinamilk, CEO của Công ty Cơ điện lạnh REE, …Là một CEO nữ, theo chị Dương, những phẩm chất nào nổi trội giúp các sếp nữ VN thành công trong một môi trường kinh doanh đặc thù như ta?

Chị Đỗ Thùy Dương: Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi muốn nói một chút về lịch sử. Như chúng ta đều biết, truyền thống dân tộc Việt có thờ đạo mẫu. Dân gian có một niềm tin rằng mẹ có thể giải quyết những vấn đề khó khan. Bạn thấy đấy, khi mình bị đau thì bản năng hay gọi "mẹ ơi", chứ không ai gọi "bố ơi" hay "chồng ơi"…Đất chúng ta cũng gọi đất mẹ, khi đau ta cũng gọi về mẹ. Tôi nghĩ rằng sức mạnh của người phụ nữ VN cũng đến từ niềm tin ấy, niềm tin rằng mình phải cáng đáng khi gặp khó khăn.

Là Phó chủ tịch Hội nữ doanh nhân VN, tôi có dịp làm việc với rất nhiều nữ doanh nhân. Tôi phát hiện ra mọi người có một đặc tính chung. Mặc dù họ rất mạnh mẽ, quyết liệt trên thương trường nhưng đều có sự nhân hậu. Có lẽ, đó là nền tảng cho thành công.

Sự nhân hậu ở đây hiểu theo nghĩa là các nữ doanh nhân rất kiên nhẫn, biết mở lòng ra để lắng nghe và thấu trước khi đưa ra bất kỳ một quyết định nào. Cái đó có thể làm họ đi chậm hơn một chút so với cách tiến nhanh, mạnh của đàn ông nhưng có thể lại bền vững hơn.

Bà Phạm Chi Lan: Tôi cũng tán thành với Dương ở nhiều điều. Nhưng dù sao điểm chung nhất của mọi CEO, dù là đàn ông hay phụ nữ phải là ý chí, tinh thần kinh doanh. Ý chí để vượt qua thách thức và cả ý chí để nắm bắt cơ hội. Bởi cơ hội mở ra cho tất cả mọi người, nhưng ai có ý chí mạnh hơn người khác thì mới giành được.

Tuy vậy, tôi nghĩ đối với phụ nữ làm kinh doanh, có khi còn đòi hỏi ý chí mạnh mẽ, kiên cường hơn so với đàn ông. Ý chí đó có thể không cần thể hiện ra bề ngoài, cũng không phải cứ hung hăng, đập bàn đập ghế như một số ông. Người phụ nữ có thể thể hiện ra ngoài một sự nữ tính, dịu dàng nhưng tiềm ẩn trong họ là một ý chí, bản lĩnh rất mạnh mẽ. Như chị Mai Kiều Liên, CEO của Vinamilk, lúc nào cũng nhẹ nhàng, thân tình và cực kỳ chu đáo với mọi người. Trong cuộc sống, trong khi trao đổi, làm việc cũng vậy. Nhưng nếu chị ấy không quyết liệt thì làm sao có được một Vinamilk như ngày nay. Tôi nghĩ chỉ riêng chuyện "chiến đấu" với cổ đông nước ngoài để thuyết phục họ chấp nhận những chiến lược, cách thức kinh doanh mình đưa ra đã không phải dễ dàng.

Hoặc Mai Thanh ở Cơ điện lạnh REE là người đầu tiên cổ phần hoá thành công. Một người phụ nữ bé nhỏ như vậy, nhưng đã dẫn dắt rất thành công, đưa nhiều nhà đầu tư nước ngoài tên tuổi vào đây. Phải là một người rất mạnh mẽ, kiên cường mới làm được như vậy.

Chị Đỗ Thùy Dương: Tôi và một người bạn đang viết một cuốn sách, trong đó phỏng vấn 20 lãnh đạo nữ từ những lĩnh vực khác nhau, chính trị, kinh tế, xã hội, nghệ thuật…Tôi nhận thấy một điểm thú vị là tất cả những người này đều có tinh thần tiên phong, sẵn sàng làm cái mới. Ví dụ chị Thanh Ree là người đầu tiên cổ phần hoá công ty, chị Đàm Bích Thuỷ là người đầu tiên nêu ý kiến về tổ chức hội nghị nhà đầu tư tại VN, hay chị Hoàng Thu Thanh là chủ tịch công ty nước ngoài lớn đầu tiên tại VN…Có lẽ vì cái tôi của phụ nữ VN thấp hơn cho nên thấy cái gì mới cũng có thể học hỏi, thậm chí thử nghiệm mà không quá e ngại.

Tôi lại nhớ câu chuyện của cá nhân mình. Khi tôi quyết định nghỉ cả hai công việc đang làm, một là giảng viên ĐH Kinh tế Quốc dân, một là làm cho tập đoàn của UK để mở công ty riêng thì gia đình tôi đã tổ chức cuộc họp cả hai bên nội ngoại. Hai bên ông bà ra sức thuyết phục tôi nghĩ lại, bởi công việc hiện tại trong mắt các cụ là lý tưởng, cộng thêm tôi còn có hai con nhỏ. Nhưng tôi rất may mắn vì được ông xã ủng hộ.

Bây giờ nhìn lại, lúc ấy mình đã phải đi ngược lại với kỳ vọng của những người mình yêu thương nhất trong khi mình cũng không dám chắc sẽ thành công hay không. Lúc ấy thì có lẽ chưa phải là ý chí gì to tát, mà chỉ nghĩ cứ phải quyết tâm làm đã.

Rất nhiều chị em trong hội nữ doanh nhân chia sẻ rằng mọi người khởi nghiệp vì gia đình quá khó khăn. Họ muốn đi ra làm ăn để chồng yên tâm công tác, để nuôi con cái, để giữ nghề truyền thống của gia đình. Họ cố gắng làm tốt nhất ngày hôm nay, ngày mai tốt hơn một chút, và cứ thế, nó dần hun đúc thành ý chí. Rất nhiều người không hình dung được sẽ có ngày mình trở thành 1 trong 50 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á hay DN của họ có tác động lớn đến xã hội như hôm nay. Tôi nghĩ là họ chỉ cố gắng để tốt hơn chính mình mỗi ngày.

Phạm Chi Lan, sếp nữ
CEO Đỗ Thùy Dương. Ảnh: Lê Anh Dũng



Việt Lâm:Trong những cuộc bàn luận gần đây về những phẩm chất của người phụ nữ VN hiện đại, tôi thấy một bộ phận rất lớn vẫn đề cao đức hi sinh. Trong các gia đình truyền thống, con gái vẫn được mẹ dạy phải biết hi sinh, vun vén cho chồng, cho con. Nhưng với những gì mà các khách mời đã chia sẻ vừa rồi thì liệu rằng giá trị nổi bật của người phụ nữ có nên là đức hi sinh nữa hay không?

Bà Phạm Chi Lan: Nhìn lại cả một chặng đường lịch sử rất dài của VN thì đức tính nổi bật của người phụ nữ đúng là sự hi sinh; hi sinh vì gia đình và vì cả đất nước như Bà Trưng, Bà Triệu hay những người phụ nữ tham gia hai cuộc chiến tranh. Đức hy sinh đó vô cùng quý giá.

Tuy nhiên, chiến tranh đã kết thúc được 40 năm rồi, công cuộc đổi mới cũng đã 30 năm. Đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển trong một thế giới thay đổi chóng mặt. Vả lại, người phụ nữ bây giờ có một diện công việc, hoạt động xã hội vô cùng đa dạng. Nếu cứ bám giữ mãi lấy sự hi sinh như giá trị chính của người phụ nữ thì liệu có còn phù hợp với thời đại?

Tôi nghĩ rằng, trước hết xã hội đừng nên đòi hỏi người phụ nữ phải hy sinh mãi. Tại sao người đàn ông có quyền nghĩ cho mình mà lại cứ muốn người phụ nữ phải hi sinh? Hi sinh đến bao giờ nữa? Còn phụ nữ cũng không nên nghĩ chỉ cần hi sinh là đủ.

Dĩ nhiên, sự hi sinh vẫn rất cần thiết trong những bối cảnh nhất định. Ngay cả gia đình tôi cũng vậy, có những lúc ông chồng đi công tác hay cần tập trung thời gian cho một công việc nào đó thì mình sẵn sang gánh vác hết mọi việc trong gia đình. Hay khi con còn nhỏ, con ốm đau thì tôi cũng sẵn sàng bỏ hết công việc khác để chăm con. Đó là điều rất bình thường mà tôi không coi đó là chuyện hi sinh gì cả. Ngược lại, người chồng sẽ làm việc đó thay cho mình khi mình có việc cần tập trung.

Tôi chỉ mong muốn rằng xã hội ngày nay có cái nhìn cởi mở hơn về người phụ nữ. Đừng đòi hỏi ở họ quá nhiều về đức hi sinh. Nếu như người phụ nữ có thể vươn lên, tham gia được càng nhiều công việc cho xã hội thì càng tốt, không chỉ cho xã hội mà cho chính gia đình mình, cho việc giáo dục con cái mình. Con cái sẽ nhìn vào trong gia đình bố mẹ ứng xử với nhau như thế nào, cha mẹ ứng xử với bậc trên như thế nào, dần dần hình thành nên cách nghĩ, cách ứng xử. Bởi vậy, đừng bắt ai phải chịu thiệt thòi để dành tất cả ưu thế cho một, hai người trong gia đình.

Nhìn rộng ra ngoài xã hội, phụ nữ đang là lực lượng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế. Trong mọi lĩnh vực đều có phụ nữ ở cương vị lãnh đạo, dẫn dắt rất tốt, vậy thì có lý do gì để cứ đòi hỏi họ phải đặt đức hi sinh lên số một?

Phạm Chi Lan, sếp nữ
Ảnh: Lê Anh Dũng


Chị Đỗ Thùy Dương: Cùng một sự việc phụ thuộc vào cách nhìn. Ví dụ một người phụ nữ ở nhà nội trợ để tạo điều kiện cho sự thăng tiến của chồng. Có người cho nó là sự hi sinh. Nhưng nếu mình gọi đấy là sự lựa chọn, cô ấy chủ động chọn việc ở nhà không phải vì chịu sức ép của gia đình, của xã hội mà vì chính cô ấy thấy việc ở nhà là hợp lý nhất cho hạnh phúc gia đình trong thời điểm ấy thì đó không gọi là sự hi sinh. Mặc dù nhìn bề ngoài mọi người vẫn có thể nói là chị hy sinh hết cho chồng con nhưng đấy là sự lựa chọn của cô ấy.

Tôi thích nhìn sâu hơn vào động cơ. Tại sao họ lại phải hi sinh? Mọi người hay nói đến câu chuyện phụ nữ VN hay chọn làm phó, để đàn ông làm trưởng. Có thực là họ được lựa chọn như thế không? Hay là họ chịu những áp lực khác buộc phải lựa chọn như thế? Có lẽ, hạnh phúc lớn nhất của con người là được chủ động lựa chọn cho cuộc sống của mình, kể cả chọn đóng góp cho xã hội hay đóng góp cho gia đình, chọn là người phụ nữ tham gia các hoạt động bề nổi của xã hội hay chọn làm người phụ nữ khiêm nhường.

Để có được sự lựa chọn ấy, tôi nghĩ cần trở lại câu chuyện về sự nhân hậu và trí tuệ sáng suốt. Có hai thứ đó, chúng ta sẽ tự tin hơn để hành động theo lựa chọn của mình mà không bao giờ phải ngoái lại tiếc nuối những gì mình đã hy sinh.

Điều tôi thấy buồn nhất là gần đây khi triển khai các chương trình phát triển năng lực lãnh đạo cho phụ nữ, khi được hỏi cuốn sách gần đây nhất chị đọc là cuốn gì? Hầu hết trả lời là cuốn trò chuyện với tuổi teen và cuốn quy trình đánh giá cái gì đó ở công ty chị ấy. Tôi hỏi tiếp chuyến du lịch gần đây mà chị thấy hài lòng nhất thì tất cả các chuyến đi cũng chỉ có hai loại: một là đi với gia đình, hai là đi với công ty để team building, mặc dù chị này cũng là lãnh đạo cấp trung. Tôi hỏi lý do chị muốn tìm đến chương trình phát triển năng lực lãnh đạo, chị mới trả lời con chị 16 tuổi rồi và bây giờ chị muốn sống cuộc đời của chị. Chị quên mất nó như thế nào quá lâu rồi.

Tôi cũng không biết nên gọi đấy là sự hi sinh hay do cuộc sống cuốn chúng ta đi, khiến ta không làm chủ được các quyết định của mình. Cho đến một ngày, ta mới giật mình nhận ra phải bắt đầu sống lại cuộc đời của mình để làm gương cho con, để con thấy phải sống thế nào để hạnh phúc. Bởi vậy, suy cho cùng trung tâm của đời sống là sự lựa chọn mỗi ngày. 

Phạm Chi Lan, sếp nữ


Bà Phạm Chi Lan: Trong những thời đoạn ngắn thì mình sẵn sàng lùi lại để nhường cơ hội cho những người khác. Đấy là sự chủ động lựa chọn và mình hoàn toàn có thể cảm thấy thoải mái. Nhưng đừng dể nó kéo dài, bởi sau cùng chúng ta vẫn phải trở lại với điều mà cuộc sống đòi hỏi ở mình, bởi đó chính là điều mình có thể để lại cho con.

Chị Đỗ Thùy Dương: Chị em cũng hay tranh luận là phụ nữ có nên thành đạt hay nên giúp chồng và con thành đạt. Khi đó, tôi hay đặt ra câu hỏi ngược lại là: chị cũng là con của một gia đình khác. Gia đình ấy cũng mong muốn có đứa con thành đạt. Vậy cứ thế hệ này mong thế hệ sau thành đạt, thì đó có còn là sự hi sinh, hay là chuyện đẩy trách nhiệm xuống thế hệ sau hay không? Chúng ta cứ nói là hy sinh để con mình tiến lên, rồi sóng sau phải cao hơn sóng trước thì sóng trước cũng phải đủ cao một chút để sóng sau có đà cao hơn.

- Xin cảm ơn hai vị khách mời!

  • VietNamNet