Trong đoạn video (được cảnh báo có hình ảnh phản cảm), tổ chức PETA nói Việt Nam xuất khẩu 30.000 bộ da cá sấu hàng năm cho hãng thời trang nổi tiếng Louis Vuitton và các nhãn hiệu lớn khác để làm túi, ví, dây đeo đồng hồ…

Nhân chứng được tổ chức này dẫn lời mô tả hàng ngàn con cá sấu bị nuôi nhốt với điều kiện hết sức bẩn thỉu và khắc nghiệt, với một số cá sấu bị nhốt trong các lô có chiều dài ngắn hơn chiều dài của cá sấu.

Hai cơ sở lột da cá sấu trong phóng sự được quay được cho là cung cấp da cá sấu cho công ty mẹ của Louis Vuitton là LVMH.

video giet hai ca sau da man: thong tin lap lo, mot chieu! hinh anh 1
Ông Vương Tiến Mạnh - Phó Giám đốc Cơ quan quản lý Cites Việt Nam.

Đoạn video này được cho là quay vào tháng 3 và 4.2016 trong cuộc điều tra nạn mua bán da động vật của PETA cho thấy những con cá sấu ở một trang trại không được nêu tên tại Việt Nam bị giữ chặt trên bàn trước khi bị cắt cổ và lột da. Công nhân lột da dùng một que thép dài đâm xuyên sống lưng con vật để hủy mô thần kinh.

Cách "hủy não" này khiến con cá sấu bất động, tuy nhiên một số con vẫn giãy giụa khi bị lột da. PETA cho rằng các trang trại mổ cá sấu trong video thuộc hai công ty chuyên cung cấp da cá sấu cho Heng Long, nhà cung cấp da động vật ở Singapore.

 “Vì cá sấu có thể sống với lượng ôxy rất thấp, nhiều con được cho là thoi thóp nhiều giờ sau khi bị giết, hay nói cách khác đi là bị giết từ từ. Một số con thậm chí bị lột da khi còn sống”, PETA giải thích.

Xung quanh thông tin này, PV Dân Việt đã trao đổi với ông Vương Tiến Mạnh - Phó Giám đốc Cơ quan quản lý Cites Việt Nam. Ông Mạnh cho biết, ông đã xem video do PETA công bố. Tuy nhiên, ông Mạnh khẳng định: “Video của tổ chức PETA đăng tải những thông tin không rõ ràng, không biết quay ở trang trại nào, thời điểm nào, thuộc địa phương nào. Họ cũng không ghi nhận ý kiến của trại nuôi, cơ quan quản lý để làm rõ vấn đề họ nêu ra. Việt Nam có hàng nghìn trại nuôi cá sấu và đang được quản lý tốt, họ không thể đưa thông tin lập lờ để đánh đồng cho tất cả các trại nuôi”.

Ông Mạnh cho biết thêm, thực tế ở Việt Nam có 9 trại nuôi cá sấu đạt chuẩn quốc tế và có hàng nghìn trại nuôi cá sấu vệ tinh ở khắp cả nước. Các trại nuôi này đang được quản lý tốt, PETA không thể đưa thông tin lập lờ để đánh đồng cho tất cả các trại nuôi ở Việt Nam nuôi trong điều kiện xấu được, như thế sẽ khiến cho độc giả thế giới hiểu chưa đúng về tình hình nuôi cá sấu. Bên cạnh đó, các hình ảnh giết mổ đó cũng không hề rõ ràng, rất phiến diện”.

“Cá sấu của Việt Nam có nguồn gốc hợp pháp, các trại nuôi đều phải đăng ký với cơ quan quản lý mới được phép hoạt động, các sản phẩm từ cá sấu đã được đăng ký quốc tế và được phép xuất khẩu. Trong thời gian qua, các bộ ngành địa phương nói chung và Cites Việt Nam nói riêng đã phối hợp với nhiều tổ chức trong và ngoài nước để tuyên truyền cho các cơ sở nuôi, giết mổ đạt tiêu chuẩn, nhân đạo để đem lại lợi ích bảo tồn và phát triển bền vững. Hiện nay, việc nuôi, giết mổ của các hộ nuôi, các doanh nghiệp đang ngày càng chuẩn chỉnh, quy củ, làm đúng tiêu chuẩn. Tuy vẫn còn một số ít trại nuôi nhỏ chưa thực hiện đúng chuẩn và chúng tôi đang rất nỗ lực để cải thiện tình hình” - ông Mạnh khẳng định.

Phó Giám đốc Cơ quan quản lý Cites Việt Nam Vương Tiến Mạnh cho rằng, việc các tổ chức nước ngoài, cụ thể là PETA đăng tải những thông tin như thế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của Việt Nam, bên cạnh đó còn ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính trong nước, ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu các trại nuôi cá sấu. Những thông tin thất thiệt đó sẽ khiến độc giả trên thế giới hiểu chưa đúng về tình hình nuôi giết mổ cá sấu ở Việt Nam. Các nước nhập khẩu sản phẩm cá sấu của Việt Nam có thể sẽ tiến hành dựng hàng rào kỹ thuật, gây khó khăn cho sản phẩm Việt Nam.

“Chính vì vậy, tôi mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước cần kiểm chứng thông tin trước khi đăng, đặc biệt là các báo trong nước, nếu đăng những thông tin chưa kiểm chứng rõ ràng thì hậu quả sẽ rất khôn lường, ảnh hưởng sẽ rất lớn” - ông Mạnh chia sẻ.

Theo Dân Việt