Môi trường kinh doanh Việt Nam đang có những dấu hiệu cho thấy sự kém thuận lợi và thiếu an toàn. Hơn 20.000 doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động trong 3 tháng đầu năm. Gánh nặng thuế và phí tiếp tục đè nặng lên đôi vai của các doanh nghiệp, chi phí ngoài cũng như nguy cơ hình sự hóa các quan hệ kinh tế vẫn còn hiện hữu. Đó cũng là nguyên nhân cộng đồng doanh nghiệp cần một thông điệp mạnh từ Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 sẽ diễn ra vào ngày 29/4 tại TP.HCM.

Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban pháp chế VCCI (đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao làm đầu mối nhận những sáng kiến, kiến nghị của doanh nghiệp), doanh nghiệp Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn, đất đai... Ngoài ra, nhóm khó khăn liên quan tới thủ tục hành chính và quan hệ với cơ quan công quyền cũng chiếm phần lớn.

Bên cạnh đó, nói riêng về trường hợp ông chủ quán cà phê Xin chào - một đại diện cho hàng triệu hộ kinh doanh cá thể trên cả nước, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng vụ việc này không chỉ liên quan tới riêng một quán cà phê mà còn cho thấy những bất cập trong môi trường kinh doanh của Việt Nam.

"Rõ ràng sự thuận lợi trong môi trường kinh doanh không chỉ ở thủ tục hành chính ngắn gọn, chi phí giảm mà đó còn phải là một môi trường an toàn, nơi những người đi kinh doanh có thể yên tâm bỏ vốn mà không lo ngại" - ông Đậu Anh Tuấn phân tích thêm - "Qua vụ việc của ông chủ quán cà phê Xin chào, đặc biệt với những phản ứng quan tâm sát sao của Chính phủ, đã mang đến một thông điệp mạnh mẽ. Đây là tín hiệu tích cực cho môi trường kinh doanh trong thời gian tới".

Có thể thấy, doanh nghiệp Việt Nam đang cần những cam kết chính trị để đảm bảo một môi trường kinh doanh an toàn và thuận lợi. Những cam kết này sẽ được chuyển hóa thành chính sách, song cũng cần một cơ chế đảm bảo để những chính sách của Chính phủ có thể được thực hiện nghiêm túc bởi đội ngũ thực thi công vụ, đặc biệt ở địa phương.

Theo VTV