Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh tính chất quan trọng và ý nghĩa lịch sử của cuộc gặp mặt: "Đây là lần đầu tiên Bộ được Chính phủ cho phép tổ chức cuộc gặp mặt để báo giới cả nước trực tiếp báo cáo thành tích, đồng thời mạnh dạn bày tỏ nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng, để Thủ tướng trên cương vị của mình tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để báo chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong thời kỳ mới".

Thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng, báo chí

Ông nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng về việc cung cấp thông tin cho báo chí phải đi trước, để tạo bầu không khí dân chủ trong xã hội, tạo đồng thuận trong xã hội để thực hiện thành công các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và ngoại giao.

Bộ trưởng nhắc đến những chính sách vĩ mô của Chính phủ đối với báo chí như Chiến lược phát triển thông tin, Quy hoạch báo chí, cũng như dự thảo luật Báo chí sửa đổi sẽ trình QH tháng 10 năm nay..., và cả những chính sách rất cụ thể, thiết thân với báo chí, trong đó có Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

"Việc này đã giúp báo chí có những thông tin chính thống, trung thực, kịp thời. Những cuộc họp báo sau mỗi phiên họp của Chính phủ đã giải đáp được nhiều câu hỏi của xã hội, các bộ, UBND các tỉnh, thành phố cũng dần tổ chức thường xuyên và hiệu quả", ông Nguyễn Bắc Son nói.

Thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng, báo chí
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son


Bộ trưởng kiến nghị Thủ tướng và Chính phủ tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện cho báo chí phát triển, vừa thực hiện chức năng tuyên truyền chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước, vừa là công cụ giúp nhân dân tham gia phản biện xã hội, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, củng cố niềm tin của nhân dân...

Báo chí phải được tiếp cận thông tin đầy đủ

Nắm cơ hội này, lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí thẳng thắn đề đạt Thủ tướng, Chính phủ và các cơ quan nhà nước về những vấn đề báo chí.

Nhà báo, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân, nhấn mạnh việc phát ngôn cần nhanh chóng, hiệu quả hơn, tránh tình trạng chậm, né tránh, đùn đẩy, thông tin không chính xác như hiện nay. Với những tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy chế này, phải có sự chấn chỉnh, kiểm tra, xử lý, ông Huấn kiến nghị.

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong, cũng phản ánh trong một số trường hợp nhạy cảm như chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, thông tin từ phía các cơ quan chỉ đạo đến với báo chí quá chậm, khiến báo chí khó xử lý, không ít trường hợp đã để mạng xã hội, và tệ hơn là báo chí nước ngoài thù địch, đưa tin trước, báo chí trong nước phải chạy theo một cách bị động.

"Các bộ ngành cũng cần cởi mở hơn với báo chí, tránh những người phát ngôn không bao giờ nói gì", ông Lê Xuân Sơn nói.

Nhà báo Phạm Anh Tuấn, Tổng biên tập báo VietNamNet, cũng lên tiếng về sự cạnh tranh khốc liệt từ mạng xã hội và thông tin bên ngoài mà báo chí, đặc biệt là báo trực tuyến, phải đối mặt.

Thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng, báo chí
Tổng biên tập báo VietNamNet Phạm Anh Tuấn


"Nếu báo thông tin nhanh thì dễ bị đánh lẫn, bị cuốn vào vòng xoáy thông tin, nhưng báo thông tin chậm thì sẽ bị mạng xã hội lấn át. Vì vậy, để báo chí góp phần tạo ra không khí lạc quan, tin tưởng cho xã hội, báo chí phải được tiếp cận thông tin đầy đủ và như mong muốn để tham gia hiệu quả vào cuộc thảo luận trong xã hội nhằm tìm giải pháp lâu dài cho những vấn đề của đất nước", ông Phạm Anh Tuấn nói.

Tổng biên tập báo VietNamNet cũng nêu vấn đề báo điện tử gặp khó khăn về kinh tế vì phát hành miễn phí, sống bằng quảng cáo. VietNamNet phải sống như một doanh nghiệp, nhưng lại làm nhiệm vụ chính trị. Chính vì vậy, mong mỏi lớn của báo là có sự quan tâm hơn để bớt lo về kinh tế mà tập trung làm nhiệm vụ chính trị.

Nhà báo Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập báo Thanh Niên, thì khẳng định "bạn đọc vẫn có niềm tin ở báo chí, trước các thông tin trên mạng xã hội, họ vẫn tìm đến báo chí để có câu trả lời chính xác".

Thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng, báo chí
Tổng biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Quang Thông


Do đó, theo ông Nguyễn Quang Thông, những người làm công tác phát ngôn phải được đào tạo kỹ năng, có thể phản ứng nhanh, có khả năng làm rõ, định hướng, phản biện thông tin càng nhanh càng tốt khi cần thiết.

Thủ tướng chia sẻ khó khăn với báo chí

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn nhận thức đầy đủ về vai trò của báo chí đồng thời luôn ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để báo chí làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, không ngừng phát triển và lớn mạnh.

Thủ tướng cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức mà báo chí đang phải đối mặt, đồng thời đề nghị các cơ quan quản lý báo chí và các cơ quan báo chí, các nhà báo cùng thảo luận, kiến nghị để Chính phủ xem xét, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động báo chí hiện nay.

"Tôi hoàn toàn chia sẻ báo chí hiện nay vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, đồng thời vừa phải cạnh tranh trong cơ chế thị trường, tự tạo nguồn thu để tồn tại và phát triển. Tôi cũng chia sẻ việc các cơ quan quản lý vừa phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước đối với báo chí, vừa phải đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, quyền được thông tin của nhân dân mà Hiến pháp đã quy định. Để giải quyết những thách thức này, tôi tin các đồng chí sẽ có được câu trả lời từ thực tiễn hoạt động của mình, từ đó kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước có các chủ trương, chính sách phù hợp để báo chí tiếp tục phát triển, lớn mạnh" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu. 

Bản thân các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, người làm báo hết sức đề cao trách nhiệm với xã hội, nghĩa vụ với đất nước, rèn luyện phấn đấu nâng cao đạo đức nghề nghiệp.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TT&TT và Hội Nhà báo VN tạo điều kiện để báo chí phát triển ngày càng lớn mạnh hơn, hoạt động báo chí thuận lợi hơn.

Với chủ trương lớn là quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí mà những người làm báo cả nước đang rất quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sẽ làm một cách dân chủ, lắng nghe ý kiến tất cả các cơ quan báo chí.

Ông cho biết đã chỉ đạo Bộ TT&TT, trên cơ sở đề án đã trình với Bộ Chính trị, Trung ương, làm việc với từng cơ quan, nghe đề xuất về nội dung, yêu cầu, giải pháp và lộ trình sắp xếp. Sau đó tổng hợp lên, Thủ tướng phê duyệt là đã đồng thuận và cùng chung sức làm.

"Giống như làm với doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Từ 15 ngàn DNNN đến nay đã sắp xếp, cổ phần hóa chỉ còn gần 500, không có một chấn động gì", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định sẽ thúc đẩy hơn việc thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

"Trong những sai sót của báo chí thời gian qua cũng có phần do khuyết điểm chậm cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước. Chính phủ quán triệt nhận thức này, hiểu rằng nếu ta không đưa thông tin thì người khác sẽ đưa, người khác đưa rồi ta nói lại rất khó ", Thủ tướng nói.

Thủ tướng đề nghị Bộ TT&TT tính toán, đề xuất thêm cơ chế liên quan đến cung cấp thông tin, đặc biệt là các thông tin liên quan đến chủ quyền biển đảo, làm sao vừa nhanh nhạy, kịp thời, vừa chính xác, vừa đảm bảo các yêu cầu chính trị, đối ngoại.

Chung Hoàng - Huy Phúc - Lê Anh Dũng