“Thần dược” trên bàn trà

Sau vài ngày cân nhắc, nhận được tin tức của lão T. "cụt" chúng tôi quyết định tham gia cuộc "mật bàn" trước ngày “ông ba mươi” lên nồi do lão tổ chức.

10h sáng, có mặt tại khu vực Lưu Phái (Ngọc Hồi, Hà Nội), sau khoảng một tiếng thăm dò xung quanh, chúng tôi bạo mình bước vào “đại bản doanh” của lão T. cụt.

Nghe danh đã lâu, giờ chúng tôi mới có dịp nhìn rõ hơn lão. Tóc lão T. bạc trắng, da sạm đen, nhưng đôi mắt còn sáng và tinh ranh. Chiếc quần lửng mang theo người làm lộ rõ chiếc chân giả của lão.

 Năm vị khách “tai to mặt lớn” mà lão từng khoe cũng đã có mặt từ bao giờ. Theo như giới thiệu, năm người này là những khách hàng "ruột" của lão.

Bên bàn trà, người đàn ông trẻ tên S., nhà ở chợ Giời, dân kinh doanh và có chút máu mặt cho biết, mẻ cao nào cũng là người lấy nhiều nhất. S. còn khoe thêm mình từng bị tai nạn xe máy, gãy xương chậu. Sau 2 năm dùng cao hổ cốt của lão T. “cụt”, lại khỏe như vâm.

Sự thực ra sao thì không rõ nhưng sau câu chuyện của S., những vị khách khác cũng hào hứng kể câu chuyện về “thần dược” cao hổ cốt gắn với bản thân mình.

Trong đó, vị khách độ ngoài 70 tuổi làm Đông y cho hay giờ có thể vác được cả bao xi măng lên tầng 3 mà không hề hấn gì.

“Trước đây tôi mất ngủ triền miên, người luôn mệt mỏi, đau nhức. Nhưng từ lúc theo cái món này với ông T., người khỏe hẳn, ăn uống tốt" - ông già thao thao bất tuyệt.

Vị khách ngồi đối diện cười phớ lớ, hí hửng nói: “Từ lúc ăn cái món này vào, vợ chưa khi nào chê. Mỗi tối tôi uống hai chén nhỏ, từ đó chả thấy mình bị bệnh gì. Người lúc nào cũng khỏe như thanh niên. 77 tuổi rồi mà mắt vẫn sâu kim ngon lành”.

Không rõ họ mua bao nhiêu cao hổ, nhưng mẻ nấu nào, theo lời T. "cụt" năm vị này cũng có mặt và tham dự “đại hội” trước giờ G.

Thực hư những câu chuyện quanh bàn nước chẳng ai rõ, chỉ biết khi câu chuyện đến hồi “hưng phấn”, lão T. "cụt" nhâm nhi chén nước, rít hơi thuốc lá, mắt khẽ nhắm và khoe mẽ về những ngày đầu nấu cao hổ.

Lão kể rằng, những năm 1995 - 2000, hổ nhập từ Lào rất dễ dàng, thậm chí nhập được cả hổ còn sống. Việc nấu cao hổ hồi đó cũng dễ không kém, bắc rạp nấu công khai mà chả ai để ý. Bây giờ, hở ra cái là bị Công an "tóm" ngay. Chính vì thế, T. “cụt” luôn thận trọng mỗi khi có khách liên hệ đặt hàng.

Mục sở thị cá thể chúa sơn lâm trong “mật thất”

Khi các vị "thượng khách" đến đông đủ, T. “cụt” hô vợ mình dọn 2 mâm cơm. Trên mỗi mâm, lão không quên rót một chai rượu màu đục đục như nước gạo ra mời. Theo như lão T. giới thiệu thì đó là rượu cao tráng chảo từ mẻ nấu cao hổ lần trước và nó cũng "uy lực" không kém gì cao hổ cốt.

Để chứng minh cao hổ cốt của mình là cao hổ cốt thật, lão T. “cụt” lệnh cho vợ vào kho lấy “hàng” cho chúng tôi xem. Chừng một phút sau, vợ lão T. lệ khệ bê ra một tảng thịt lớn được đựng trong túi bóng. Thấy thiếu thứ gì đó, lão T. quát to: “Bà bê hết ra đây cho các chú xem. Chỗ tin tưởng không phải lo”.

Bà vợ lại vội vã chạy lại phía sau nhà, bê thêm một tải lớn đặt trước mặt T. và hỏi: “Có lấy nữa không ông?”.

Lão T. không nói gì, tay thoăn thoắt mở chiếc túi ni lông ra, trưng cho mọi người xem tảng thịt lớn của ông ba mươi và nói: “Đủ cả nhé! Thiếu một tí là vứt đi hết. Con hổ đợt này tôi nhập về nặng một tạ rưỡi. Sẽ luyện cùng cùng 15kg xương nai và 2 bộ sừng tuần lộc”.

Theo tiết lộ của lão T., con hổ này được chia nhỏ và tuồn vào việt nam từ Lào. Phải mất gần một tuần, toàn bộ cơ thể nó mới về theo đơn đặt hàng.

Sau khi cho khách được mục sở thị, lão T. “cụt” bảo vợ cất tảng thịt vào “mật thất”. Lão tiếp tục đổ tải xương lớn ra mặt sàn nhà. Cầm một khúc xương chân trước của "ông ba mươi", lão T. phân tích về cách phân biệt giữa xương hổ với các loại động vật khác.

Lão nói: “Chỉ có 3 loại vật có hình mắt phượng ở các đầu khớp chân là mèo, báo và hổ. Xương mèo thì nhỏ, xương báo thì trắng, còn hổ thì vàng. Phải biết phân biệt để tránh “ăn” phải xương chó, xương lợn”.

Tiếp lời, lão T. “cụt” giải thích: “Tam linh sơn bất hổ cốt”. Tức là xương hổ phải nấu kèm xương nai và sừng tuần lộc thì mới cho một mẻ cao hổ chất lượng. Tuy nhiên, nấu tỉ lệ như nào, phụ gia ra sao để màu cao và chất lượng cao đảm bảo thì không phải ai cũng nắm được.

Lão T. "cụt" tỏ vẻ tinh tường với việc luyện cao hổ chui. Lão này cũng cho biết, để sẽ cho chúng tôi mục sở thị việc nấu cao hổ như thế nào.

Theo NDT