LTS:Tuần Việt Nam tiếp tục cuộc trò chuyện với các chuyên gia: ông Ngô Lực Tải, Phó Chủ tịch Hội KHKT biển Tp HCM, tác giả cuốn 'Kinh tế biển Việt Nam trên đường phát triển và hội nhập'; Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; KTS Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam.

Mang tư duy khai thác đất liền ra đảo

Hoàng Hường:Nằm trên trục hàng hải và hàng không huyết mạch thông thương giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Biển Đông rất quan trọng, trong đó VN là nước có vị trí địa chính trị quan trọng. Có tương lai nào cho VN phát triển kinh tế biển trong khu vực không?

Ông Nguyễn Chu Hồi: Vị thế cũng như tiềm năng của VN trong bối cảnh của khu vực Biển Đông hiện nay rất lớn, nhưng thách thức cũng không nhỏ. Các chuyên gia đều thấy rằng thiên nhiên biển-ven biển, đảo VN có những khác biệt, có tính trội và nhiều lợi thế so sánh.

Muốn phấn đấu trở thành một quốc gia mạnh giàu từ biển hoàn toàn không phải không có cơ sở. Nhưng ta đang tụt hậu về biển. Nhiều lĩnh vực, nổi lên là dầu khí, dầu khí thực ra là cũng là ngành khai thác tài nguyên không tái tạo. Nếu một nền kinh tế hô hào hút dầu đi bán để mà bù đắp GDP thì hoàn toàn là tư duy giải quyết tình thế. Có vài vấn đề chúng ta phải hướng đến:

Thứ nhất, tăng trưởng xanh, trong đó có kinh tế biển xanh. Các nguồn vốn tự nhiên, cảnh quan biển giá trị như vịnh Hạ Long,... phải giữ gìn. Ta phải tái cơ cấu lại kinh tế biển theo hướng rà soát lại và 'xanh hóa' ngành dầu khí, hàng hải, thủy sản, du lịch rồi những dịch vụ đi kèm. Kinh tế biển xanh sẽ là vấn đề phát triển lâu dài, vừa bền vững, có 'của ăn của để', vừa ít bị tác động từ bên ngoài.

Thứ hai, từ nay đến 2020 dầu khí vẫn phải là một ngành chủ đạo, tuy nhiên không chỉ dừng lại ở các lô trữ lượng vùng thềm lục địa ven bờ mà phải vươn xa hơn, xuống sâu hơn. Bên cạnh đó, hình thành nền công nghiệp đại dương, các hướng này đều phải công nghiệp hóa hết, kể cả du lịch, chứ không phải bóc lột thiên nhiên một chiều, mà không đầu tư. Theo dự báo của Viện tài nguyên quốc tế, nếu chúng ta cứ phát triển kinh tế biển kiểu như thế này thì chỉ sau 2030 thì biển của chúng ta sẽ trở thành 'thủy mạc', thiếu tài nguyên.

Thứ ba, ra biển không thể bằng đội quân thuyền thúng mà bảo mạnh với giàu được. Không phải do Nhà nước không thực hiện những đầu tư, ví dụ nghị định mới đầu tư đánh bắt xa bờ, đóng tàu sắt, rồi những tàu tốt lớn hơn, to hơn. Nhưng với tổ chức rời rạc như thế, cho vay cá nhân, chưa nói là có người lợi dụng thì thất thoát rất nhiều.

biển đảo, kinh tế, hàng hải, phát triển, quy hoạch, Hạ Long, cho vay nhà nước
Nhà báo Hoàng Hường và ông Nguyễn Chu Hồi


Tóm lại, có 6 vấn đề nếu chúng ta làm được thì nó sẽ có một nền kinh tế biển bền vững: vốn thiên nhiên biển phải được giữ gìn; cảnh quan biển phải được bảo vệ; đô thị ven biển xanh; môi trường biển và đại dương lành mạnh; tăng trưởng xanh lam; và phát triển năng lượng biển tái tạo.

Hiện chúng ta mới chỉ chú ý 66 đảo có người thôi. Thế còn hàng nghìn đảo về mặt nguyên tắc là không có điều kiện cho con người sinh sống, là các đảo hoang sơ, hoang dã đối với thế giới thì rất quý. Họ để làm kinh tế dựa vào bảo tồn thiên nhiên biển-đảo, phát triển các nghề giải trí từ những dịch vụ bảo tồn biển-đảo. 

Tỉnh nào cũng đòi làm cảng như ... 'cầu ao'

Hoàng Hường:Lúc nãy chúng ta nói VN có đến 116 cảng, nhưng những khu vực như là đồng bằng sông Cửu Long lại không có. Tức là chỗ có cảng thì không hoạt động hiệu quả, chỗ cần lại không có. Đây có phải điều cần thay đổi?

Ông Trần Ngọc Chính: Cảng biển Việt Nam nói chung vẫn theo kiểu kinh tế xin - cho. Địa phương nào khi làm việc đều xin cảng, như một số người ví von 'có cái ao thì ông nào cũng muốn làm cầu ao'. Đấy là sự đầu tư dàn trải và thiếu sự tính toán, liên kết.

Quảng Trị muốn lấy Cửa Việt, Quảng Bình lấy Hòn La; ngoài kia thì Vũng Áng, trong này là Chân Mây, rồi Tiên Sa, Dung Quất… thế thì cảng nào sẽ là cảng quốc tế cho đường Đông Tây? Rồi tỉnh nào cũng xin thì lúc ta đồng ý đầu tư dàn trải, cuối cùng không cái nào là chính, cực kỳ lãng phí.

Ông Nguyễn Chu Hồi: Những khu vực tự nhiên để làm cảng nước sâu theo đúng nghĩa cảng biển, không nói cảng sông, chỉ đếm trên đầu ngón tay của chưa đầy một bàn tay. Như kiểu Cam Ranh, còn ngay cả Vân Phong cũng chưa phải là cảng nước sâu lý tưởng về mặt thiên nhiên, đừng quá ngộ nhận.

Nước ta có khoảng 100 địa điểm làm cảng biển và cửa sông, thế nhưng theo dõi quy hoạch thấy quy hoạch một lần là gần hết tiềm năng (84 cảng gì đó), lần sau rà soát cũng vẫn từng ấy, cứ như thế cứ định kỳ 5 năm, 3 năm lại kinh phí, lại đề tài rà soát điều chỉnh. Đáng lẽ, 10 năm đầu chỉ quy hoạch mấy cái, rồi theo kỳ quy hoạch mở rộng dần,… Cách làm như hiện nay thì không thể khai thác hết công năng thực tiễn của các cảng (trung bình chưa đầy 40%), nói thế là vẫn chiếu cố, thực ra chỉ được độ 32%. Có những cảng từ lúc sinh ra gần như để không, có cảng hoạt động nhưng không hiệu quả, hoặc hiệu quả không liên tục. Thế thì cớ lãng phí đầu tư không.

Cách nhìn của nhà quy hoạch phải thay đổi, tiến ra biển phải từ bàn đạp và cửa ngõ là cảng, nhưng phải nghiêm túc rà soát lại để đầu tư. Ví dụ 100 cảng trong quy hoạch trên giấy đến năm 2020 thì chúng ta phải dựu báo được thông lượng hàng hóa là bao nhiêu từ nguồn nào,...

Thứ hai, cảng như là 'cái mồm', quy hoạch cảng mà chỉ nói đến độ sâu nhưng lấy cái gì cho 'cái mồm' ăn, hàng hóa ở đâu đi qua, thì tư duy quy hoạch chiến lược phải tính.

Nhìn tổng quan, ở miền Trung, từ khu vực Tiên Sa - Đà Nẵng đến Vũng Tàu có lợi thế cho phát triển cảng biển lớn, nhưng 'yếu thế' là ít hàng hóa tự nhiên, nguồn hàng khan hiếm. Trong trường hợp này, để biến 'yếu thế' thành 'lợi thế' và chuyển lợi thế thành 'lợi ích' thì việc đầu tư phát triển chuỗi đô thị miền Trung gắn với cảng biển nước sâu và khu kinh tế ven biển, chính là cách tạo cho Miền Trung tạo ra những nhu cầu nội vùng, tạo nguồn hàng hóa tại chỗ. Cảng nước sâu xuất hiện là có đô thị xung quanh, phát triển du lịch, nguồn hàng của những nhà máy xí nghiệp đầu tư vào, nếu được 90% nước ngoài đầu tư thì tốt.

Như cảng Dung Quất 'ăn' ở chính những sản phẩm từ các khu công nghiệp xung quanh, và từ khu kinh tế ven biển Dung Quất. Từ một vùng thiên nhiên khô cằn, nhưng từ góc nhìn của nhà quy hoạch và kinh tế có khi đó lại là tiềm năng độc đáo, có tính trội riêng.

Trong khi đó, hai vùng ở phía Bắc và Nam là ven biển đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long không có tiềm năng làm cảng lớn, điều kiện tự nhiên làm cảng không có ưu điểm bằng Miền Trung, sa bồi nhiều hơn, nhưng nguồn hàng lại dồi dào. Cho nên, vẫn phải chọn khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh), Nghi Sơn và vùng ven biển Hải Phòng - Quảng Ninh để đầu tư cảng nước sâu dù vẫn nằm xa đường hàng hải quốc tế. 

Làm chiến lược hay quy hoạch mỗi vùng tự nhiên có ba thuộc tính quan trọng phải chú ý: một là 'tính trội', hai là 'tính đa dụng', ba là 'tính liên kết'.

biển đảo, kinh tế, hàng hải, phát triển, quy hoạch, Hạ Long, cho vay nhà nước
Ông Trần Ngọc Chính (phải)


Hoàng Hường:Cuộc nói chuyện vừa rồi đi kết luận gì: mũi nhọn sẽ là kinh tế xanh, nhìn lại vấn đề đầu tư và công năng của cảng, tìm ra mũi nhọn kinh tế, và sử dụng năng lượng tái tạo?

Ông Nguyễn Chu Hồi: Ở các đảo ta đã áp dụng năng lượng mặt trời, có thể giải quyết cục bộ ở đảo xa bờ. Nhưng nguồn năng lượng tái tạo ưu thế vẫn là năng lượng gió. Hiện nay Bạc Liêu, Ninh Thuận đã bắt đầu làm, và cho kết quả. Việc ta chưa mặn mà vì thực ra là mức đầu tư lớn hơn với các loại năng lượng khác, thứ hai là giá thành.

Tuy nhiên, đầu tư vào kinh tế biển đòi hỏi phải đủ lớn và mạo hiểm hơn, nhưng sẽ cho hiệu quả lâu dài, đặc biệt trong bối cảnh bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đòi hỏi anh phải đánh đổi. Giá thành cao hơn một tí mà so kè theo kiểu nhìn trước mắt thì không thấy được hiệu quả lâu dài.

Năng lượng tái tạo là xu hướng thế giới đã nói trên. Báo cáo chung tại Hội nghị Đại dương toàn cầu lần thứ 5 tại Paris năm 2010 cho rằng sau 2030 thì 70% cơ cấu năng lượng đại dương sẽ thuộc về năng lượng gió. Năng lượng từ gió sẽ được thu rồi chuyển vào đất liền để bán. Khi giải lao, có người nói với tôi:  "Việt Nam đã làm thủy điện, có một đường dây 500Kv, trong trường hợp cần thiết các nước láng giềng như Lào cần mua điện vẫn dẫn được. Thế thì VN chuẩn bị tiền đi, chúng tôi sẽ làm điện gió ngoài đại dương, thậm chí rất xa bờ VN. Việt Nam cần dùng, chúng tôi dẫn điện vào bán". Tính từ năm đó, công nghệ thế giới đã đi khá xa rồi.

Ông Trần Ngọc Chính: Việt Nam là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đang là vấn đề hết sức lớn. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng TP.HCM chịu ảnh hưởng rõ ràng. Mưa lớn vừa rồi ở Quảng Ninh, Cẩm Phả Hạ Long đã là một thách thức. Các tỉnh ven biển đều chịu tác động của vấn đề biến đổi khí hậu. Vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay nhiều nơi đã bị nhiễm mặn.

Ngay từ bây giờ phải xem xét giảm thiểu tác động biển đổi khí hậu với vùng này bởi nó tác động tới kinh tế biển, kinh tế vùng sâu đất liền rất lớn. Tôi nghĩ đến lúc nhìn lại việc thiên nhiên cho chúng ta và cũng lấy lại của chúng ta rất nhiều.

Hoàng Hường:Buổi tọa đàm của chúng tôi đến đây kết thúc, cảm ơn quý vị!

Tuần Việt Nam

Ảnh: Lê Anh Dũng

Quay phim: Đức Yên, Xuân Quý

Dựng phim: Bạt Tuấn