Theo đó, các vết xuyên phá do tên lửa gây ra rất giống với vết xuyên trên MH17. Hãng chỉ ra rằng 9M38M1 hiện chỉ còn trong trang bị của quân đội Ukraine, trong khi quân đội Nga đã sử dụng các loại tên lửa Buk hiện đại hơn.

Tập đoàn đã chi 10 triệu rouble (160.000 USD) cho các cuộc thử nghiệm trong quá trình điều tra thảm họa MH17.

Ủy ban An toàn Hà Lan (DSB) hôm nay công bố báo cáo điều tra thảm họa MH17, dự kiến kết luận phi cơ của Malaysia Airlines bị tên lửa do Nga sản xuất bắn rơi nhưng không chỉ rõ bên nào chịu trách nhiệm.

Ngoài nguyên nhân thảm họa, DSB cũng sẽ giải đáp một số câu hỏi quan trọng khác như vì sao đường bay MH17 lại đi qua vùng xung đột ở Ukraine. Ukraine vẫn mở cửa không phận đối với các chuyến bay thương mại tại độ cao đủ an toàn và một số hãng hàng không vẫn bay qua đây.

MH17 bị bắn rơi ngày 17/7/2014 khi đang bay qua phần lãnh thổ phe ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine, làm toàn bộ 298 người trên khoang, hầu hết là công dân Hà Lan, thiệt mạng.

Giới chuyên gia phương Tây tin rằng phe ly khai bắn rơi máy bay, có thể là do nhầm nó với phi cơ quân sự Ukraine. Moscow đưa ra một số giả thiết khác, trong đó có khả năng một chiến đấu cơ Ukraine hoặc các lực lượng của Kiev đã bắn rơi MH17.

Vân Anh (theo Ruptly)