Đó là lời kể của bà Bích, năm nay 80 tuổi người thôn Bùi, xã Khánh An, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình kể về ngôi đền Vua Thầy nổi danh trong vùng.

Ngôi đền khắc tinh của bệnh mụn nhọt

Đến Ninh Bình khi nhắc đến đền Vua Thầy chẳng ai là không biết, đặc biệt là với người dân xã Khánh An. Ngoài là nơi sinh hoạt tâm linh, văn hóa mỗi dịp lễ tết hay đầu tháng, ngày rằm.

Đền Vua Thầy còn là chốn linh thiêng đối với bản thân mỗi người dân nơi đây. Bởi lẽ, cứ hễ khi có bệnh là người dân lại làm lễ lên đền cầu mong khỏi bệnh.

Kỳ lạ ở chỗ, có nhiều người dân khẳng định rằng sau khi lên đền, bệnh tình chẳng biết tại sao lại bay biến hết.

Nhớ lại những ngày vật vã với cái hạch to tướng nổi ngay dưới nách phải, khiến bà Bích gầy sọp, tưởng chừng như sắp “đi chầu ông bà ông vải”. Bà kể: “Khoảng 6 tháng trước, tự nhiên nách phải bà nổi hạch. Ban đầu chỉ nhỏ như hạt đỗ nên bà chẳng để ý.

Nhưng sau đó, nó cứ to dần và bắt đầu đau tức. Chẳng mấy chốc, từ cái hạt đỗ nó đã sung lên bằng đít chén.”

Như vẫn bị ám ảnh bởi cơn đau, bà Bích nhăn mặt nói tiếp, “hạch nó to nhanh lắm, không có mủ mà khô, cứng đau tức khó chịu”.

Đến khi thấy cái hạch nhức nhối quá, bà nhờ người tiêm kháng sinh. Tuy nhiên, những cơn đau chẳng hề thuyên giảm.

Cái hạch hành hạ bà đến mức phải nằm nghiêng người một bên, thường xuyên mất ngủ, lại thêm thuốc kháng sinh vào người khiến bà lão 80 cạn kiệt sức lực.

“Có lúc bà đau tưởng chết, sắp về với ông bà tổ tiên”, bà Bích nói.

Còn chút sức lực cuối cùng, bà bảo con cháu sắp mâm lễ lên đền Vua Thầy xin thánh và kết hợp tiêm thuốc. Sau 2 tháng, cái hạch bỗng xẹp dần rồi tan biến hẳn.

Vừa nói, bà còn đưa tay phải lên quay quay vài vòng như chứng minh việc mình khỏi bệnh.

Ngoài nổi tiếng thiêng về việc cầu khấn bệnh mụn nhọt, người dân nơi đây còn có niềm tin rằng ngôi đền linh ứng với nhiều thứ bệnh khác.

Bà Nguyễn Thị Xoan (68 tuổi, cũng trú tại xóm Bùi) kể có lần bà đau nhức xương mà chẳng hiểu lý do. Tính nói với con cái nhưng lại sợ chúng đưa đi bệnh viện. Cả đời bà chẳng sợ gì, chỉ sợ mỗi bệnh viện và sợ tiêm.

Thế là bà cắn răng chịu đựng, sáng hôm sau sắm lễ lên đền khấn. Lạ thay, chỉ khi về đến nhà đã thấy cơn đau thuyên giảm.

“Ngày trước, người dân chỉ đến đền khấn xin chữa bệnh liên quan mụn nhọn, nhưng lâu dần, người dân hễ có bệnh là đến xin.

Mâm lễ cũng rất đơn giản, không cần mâm cao cỗ đầy miễn sao thành tâm là được. Cân hoa quả với nén nhang cũng không sao. Nhiều người đến viện trị bệnh không khỏi, sắm lễ lên xin mà bệnh tình thuyên giảm.” – bà Xoan giãi bày.

Đi tìm sự tích ngôi đền thiêng

Đến Khánh An, ngay cả hỏi đứa trẻ con chúng cũng có thể chỉ tường tận đường đến đền Vua Thầy. Nhưng khi hỏi người dân về gốc tích ngôi đền thiêng thì rất ít người biết căn kẽ.

Thậm chí, nhiều cụ cao niên trong làng cũng chỉ nhớ rằng đền có từ lâu lắm rồi mà nhưng không rõ cụ thể từ năm nào. Có cụ năm nay đã ngoài 80 mà cũng chỉ biết, từ bé lớn lên ở làng đã thấy có ngôi đền ở đó.

Bà Xoan cho hay, trong đền cũng có gia phả ghi chép lại, nhưng toàn bằng chữ nho nên cũng chẳng ai biết nó viết gì.

Tích kể về ngôi đền kể rằng, khi xưa có vị vua lâm trọng bệnh, các thần y trong cung đến để bắt mạch chữa trị nhưng chẳng thể tìm ra được căn nguyên.

Bệnh của vua ngày càng nặng hơn, các danh y trong cả nước được mời đến nhưng đều bó tay.

Lúc đó, vua nghe dân gian đồn rằng trong làng này (tức xóm Bùi ngày nay) có anh thầy thuốc tuy ít tuổi nhưng rất tài giỏi bèn cho người mời vào cung chữa bệnh.

Quả thực, sau khi bắt bệnh, ông chữa khỏi bệnh cho vua. Sau khi chữa khỏi bệnh, vua ban thưởng hậu hĩnh và giữ ông ở lại trong cung lo việc săn sóc sức khỏe vua và hoàng tộc.

Tuy nhiên, ông xin từ chối nhận ân huệ vua ban mà xin được về lại ngôi làng để tiếp tục chữa bệnh cho dân nghèo.

Cảm kích trước tấm lòng “lương y như từ mẫu” của ông, vua đồng ý và ban tước hiệu cho ông là vua thầy. Hàm ý là thầy thuốc của các bậc thầy. Người đã có công chữa khỏi bệnh cho vua.

Sau khi ông mất, dân làng lập nên đền thờ để tưởng nhớ công ơn của ông cả đời đã cứu bệnh dân làng và người nghèo. Và đền có tên là đền Vua Thầy từ đó đến nay.

Các cụ trong làng cứ truyền miệng câu chuyện đó từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Theo NDT