Lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 1.000 sản phẩm phụ tùng ô tô các loại như vòng bi, cần gạt nước, logo, logo ốp bánh, lazăng, gương xe đã qua sử dụng, nguồn gốc của số tang vật trên nhiều khả năng được tuồn ra từ các đường dây trộm cắp từ các nơi trên toàn quốc chứ không hẳn ở Hà Nội.

Chỉ vài ngày sau khi cơ quan chức năng ra quân xử phạt các hộ vi phạm tại chợ Trời. Vào vai đi tìm mua 1 cặp gương ô tô bị mất trộm, tại phố Đồng Nhân hoạt động mua bán hàng phụ tùng ô tô cũ diễn ra công khai. Thậm chí nhiều khách hàng còn đưa cả phương tiện đến đây để lắp đặt phụ tùng bị mất.

Hơn 1.000 sản phẩm phụ tùng ô tô không có nguồn gốc xuất xứ vừa được đưa về trụ sở Đội quản lý thị trường số 5, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Gương, đèn pha, đèn hậu của nhiều thương hiệu xe hơi đắt tiền. Lãnh đạo đội này cho biết, việc xác định xuất xứ là không khó, tuy nhiên, để lấy căn cứ xử phạt với người bán thì không hề dễ.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó đội trưởng, Đội QLTT số 5, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: "Hàng hóa ở đây toàn là đồ cũ, có cái còn hỏng rồi nên không thể xác định rõ giá trị để xử phạt được... Chúng tôi xử lý phạt tiền hàng cao nhất là hơn 2 triệu’’.

Khu vực chợ Trời tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội  hiện có hơn 700 hộ kinh doanh, hàng hóa được bày bán quanh các trục đường Phố Huế, Đồng Nhân, Trần Cao Vân, Nguyễn Công Trứ, Thịnh Yên.

Để kiểm soát hoạt động mua bán tại khu vực chợ Trời theo chỉ đạo của TP Hà Nội, năm nào cơ quan QLTT và công an Quận cũng yêu cầu các hộ kinh doanh phụ tùng ô tô phải ký cam kết không bán hàng trộm cắp, hàng không có nguồn gốc rõ ràng.

Ông Nguyễn Văn Thanh cho hay: ‘’Luật quy định là không cấm các mặt hàng là đồ cũ, chỉ cấm các mặt hàng tiêu thụ đồ ăn cắp thì đấy là cơ quan công an làm rõ, còn QLTT thì kiểm tra các mặt hàng về giấy tờ, chứng từ có liên quan.’’

Ông Phạm Minh Đường, Quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: ‘’Dứt khoát là người bán có tiếp tay, vì kẻ trộm được thông đồng là anh cứ mang ra đây là tôi tiêu thụ cho anh thì nó mới lấy chứ. Triệt tiêu mà không có kẻ trộm thì phải bắt cả những người bán hàng vi phạm, vì người bán hàng không bán thì lấy đâu người lấy cắp, như một dạo cái biển số ô tô cũng bị lấy, nhưng khi làm căng lên cái là hết luôn.’’

Ở cấp lãnh đạo cao nhất của TP Hà Nội mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung đã khẳng định, việc bán đồ cũ không có giấy tờ chứng minh đang là hoạt động trái với các quy định hiện hành vì không khuyến khích bán đồ cũ nhập khẩu, cũng như tiêu thụ, tiếp tay hàng hóa mất cắp là phi pháp. Vì vậy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết sẽ kiên quyết dẹp bỏ bán hàng cũ, hàng không có nguồn gốc xuất xứ tại "chợ giời."

Theo ANTV