Trong một căn phòng tối, một thầy cúng dùng con dao để rạch 2 đường lên khuôn mặt của một bé trai đủ sâu để có thể để lại sẹo lớn. Ngay lập tức cậu bé Enitan khóc thét lên và những dòng máu đỏ chảy ra từ hai vết rạch. Dù nghi lễ rạch mặt chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng nỗi sợ hãi ấy sẽ đeo bám các em bé trong suốt cả cuộc đời.

Đó chính là hủ tục rạch mặt để nhận dạng, hay nói đơn giản thì những vết sẹo trên mặt của mọi người là "chứng minh thư nhân dân" của bộ tộc người Yoruba thuộc vùng tây nam Nigeria.

Ở đây, trẻ em khi sinh ra sẽ bị rạch mặt để đánh dấu chúng là người của bộ lạc. Thầy cúng Ifaponle Ogunjinmi vừa thực hiện nghi thức rạch mặt cho bé Enitan cho biết: “Dấu sẹo nhận dạng của bộ tộc còn là đặc điểm của từng gia đình và ai trong gia đình cũng phải có".

Khi vết thương chảy máu, thầy cúng lấy dịch của một con ốc bôi lên má để làm mát vết thương rồi bôi tro lên vết thương để cầm máu cho đứa bé. Để kết thúc nghi thức rạch mặt, một con gà sống được đưa qua đầu em bé nhiều lần. “Dịch lỏng của ốc sên sẽ giúp làm dịu vết thương, giống như lửa gặp nước vậy”, Ifaponle giải thích. “Và con gà có ngụ ý xoa đi bệnh tật ra khỏi cơ thể. Con gà sẽ được mang đi cúng tế trong 2 ngày sau đó”.

Vết cắt nặng hay nhẹ tùy thuộc vào đặc điểm của mỗi gia đình. Một vài người chỉ có những đường rạch nhẹ trên da mặt, trong khi những người khác lại rạch rất sâu và sẹo dài khoảng 1 ngón tay. Với người Yoruba, vết sẹo đánh dấu mang nhiều hình thù và ý nghĩa khác nhau. Nhưng phổ biến nhất vẫn là những đường sọc thẳng trên mặt để phân biệt dòng tộc và khu vực. Một số khác thì có vết sẹo giống hình con thằn lằn hay bọ cạp. Cho dù là vết sẹo gì, chúng đều mang ý nghĩa tâm linh.

Hủ tục rạch mặt của bộ tộc Yoruba đã có từ lâu đời và vẫn được lưu truyền cho tới tận ngày nay. Trẻ con luôn được dạy rằng những vết sẹo trên khuôn mặt luôn là niềm tự hào vì là thành viên của bộ tộc. Hiện nay, hủ tục rạch mặt xuất hiện nhiều ở các quốc gia châu Phi, đặc biệt ở các vùng nông thông.

Chính phủ Nigera đã quyết định đưa hủ tục này trở thành trái pháp luật, nhưng một số tỉnh vẫn thực hiện nghi lễ này. Nhiều tổ chức nhân quyền cho rằng việc tạo những vết sẹo ở trẻ em như vậy là một sự lạm dụng, bởi việc rạch mặt trẻ em có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng hay thiệt mạng do sức đề kháng của trẻ em còn rất yếu.

Theo CNN