Trước thông tin về việc anh Đặng Thành (SN 1996), trú ở thôn 11, xã Hương Hòa, huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) bắt được một con lươn “lạ” có 3 màu bắt mắt, PV báo điện tử Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với T.S Kim Văn Vạn – Phó Trưởng khoa Thủy sản – Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Qua thông tin PV cung cấp, TS Kim Văn Vạn sau khi quan sát, ông cho rằng trên thực tế, đây là màu sắc hiếm gặp ở con lươn.

Theo tìm hiểu, lươn có chiều dài thân trung bình vào khoảng 25–40 cm, hình trụ, da trần không vảy. Về màu sắc, chúng có lưng màu nâu, bụng màu trắng và nâu nhạt.

Giải mã 'bí mật' về loại lươn lạ 3 màu xuất hiện ở Thừa Thiên Huế - Ảnh 1

Hình ảnh con lươn "lạ" 3 màu được phát hiện ở Thừa Thiên Huế.

Lý giải yếu tố làm nên sự khác biệt về màu sắc của loại lươn 3 màu này so với những con lươn bình thường, T.S Kim Văn Vạn cho hay: “Màu sắc của con lươn nói riêng, của động vật thủy sản nói chung do gen quy định. Những con khác thường do biến dị về màu sắc hoặc đột biến gen tạo màu. Ngoài ra, màu sắc còn chịu ảnh hưởng của môi trường sống (mẫu nước), chất lượng thức ăn...

Trước thắc mắc của PV về việc, con lươn 3 màu có thể sử dụng làm thực phẩm được như những con lươn bình thường hay không? TS Vạn khẳng định, qua quan sát tình trạng sức khỏe thấy lươn khỏe, hoạt động bình thường, có thể dùng làm thực phẩm mà không gây độc hại, nguy hiểm cho người sử dụng.

Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo, do đây là loại lươn khá đặc biệt, có số lượng ít, màu sắc đẹp nên để nuôi làm cảnh.

Giải mã 'bí mật' về loại lươn lạ 3 màu xuất hiện ở Thừa Thiên Huế - Ảnh 2

Anh Đặng Thành - chủ nhân của con lươn "lạ" 3 màu.

Trong một lần đi thu trúm lươn (một dụng cụ dùng để bẫy lươn – PV) anh Thành đã thấy con lươn lạ này và bắt về nhà nuôi.

Được biết, anh Thành dùng trúm bắt được lươn ở dòng chảy của khu ruộng gần nhà. Khi biết anh sở hữu con lươn có màu sắc kỳ lạ, một người dân dưới thành phố Huế đã hỏi mua với giá khá cao nhưng anh Thành chưa bán.

Giải thích về điều này, anh Thành nói: “Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, tôi mới thấy con lươn có màu lạ như vậy nên để lại nuôi cho vui”.

Theo NĐT