Hàng loạt vụ bạo hành, xâm hại trẻ em được báo chí phanh phui khiến dư luận rúng động. Nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh khi gửi con ở trường hoặc giao con cho người giúp việc luôn thường trực, nhất là khi nhu cầu gửi trẻ ngày càng trở nên thiết yếu trong cuộc sống.

Theo các nghiên cứu y khoa, việc trẻ em phải chịu bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần sẽ khiến các em cảm thấy tự ti, thấp hèn so với bạn bè cùng trang lứa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển của não bộ, khiến những đứa trẻ trở nên khô cứng, chai lì, thậm chí vô cảm. Nguy hiểm hơn, từ nạn nhân bị bạo hành, những đứa trẻ bị bạo hành có xu hướng trở thành thủ phạm bạo hành người khác khi trưởng thành. Đây cũng là đề tài làm nóng các diễn dàn mạng, khi câu hỏi làm thế nào để phát hiện con em mình đang bị bạo hành ở trường học hay ngay chính từ bảo mẫu trong gia đình của mỗi cặp vợ chồng khiến nhiều người trăn trở, suy nghĩ?

Các vụ bạo hành trẻ em thời gian gần đây xuất hiện ở nhiều cấp học, nhiều độ tuổi khác nhau, từ những cháu bé mới hơn 10 tháng tuổi như cháu bé ở quận 12 là 15 tháng tuổi. Ở cấp nào trẻ cũng có thể bị bạo hành từ chính thầy cô, bảo mẫu chăm sóc hoặc từ chính bạn bè trong trường. Tiến sỹ Phạm Thị Thúy, chuyên viên tham vấn tâm ý, giảng viên học viện Hành chính quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tác giả của hàng loạt cuốn sách dạy kỹ năng phòng vệ cho trẻ nhỏ và kỹ năng làm cha mẹ đưa ra nhận định, nếu muốn biết con mình có bị bạo hành hay không, phụ huynh phải tập cách quan sát.

Các chuyên gia tâm lý cũng nhận định, không chỉ cần phát hiện sớm dấu hiệu bị bảo hành ở trẻ nhỏ, việc phối hợp nâng đỡ tâm lý cho con và việc chấm dứt bạo lực nơi trường học là vô cùng quan trọng. Thậm chí có những trường hợp cha mẹ phải dừng ngay việc cho con trẻ đến nơi đã từng bạo hành con mình, kể cả chọn 1 giải pháp khác đưa con gửi nơi khác an toàn hơn cũng là điều cha mẹ tính đến trước khi thay đổi thực trạng tại nơi đang xảy ra bạo hành cho con mình hoặc những đứa trẻ khác là bạn của con mình.

Khi trẻ có bất thường nơi trường học, tất cả hành vi cử chỉ trong đời sống thường ngày sẽ bị thay đổi. Ngoài việc khéo léo hỏi thăm con cái, cha mẹ cũng nên khéo léo hỏi thăm các thầy cô. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng đặc biệt không nên áp đặt tất cả các biểu hiện khác lạ của con trẻ là bạo hành bởi có nhiều lý do dẫ đến trẻ có các biểu hiện tâm lý khác thường khi đến trường như lần đầu tiên xa mẹ, trẻ ốm hay trẻ đang trọng trạng thái tâm lý bất an... Thay vì lo lắng, cha mẹ nên bình tĩnh hỏi con nhẹ nhàng để tìm hiểu rõ nguồn cơn, nếu có dấu hiệu bạo hành chúng ta mới tìm cách để xử lý.

Theo ANTV