“Bà Chích ve chai” tên thật là Trần Thị Chích quê ở Nam Định, bén duyên và gắn bó với vùng đất tỉnh Ninh Thuận từ năm 1977. Năm 1999, bà nghỉ hưu khi là Chủ tịch UBMTTQVN huyện Ninh Sơn. Với địa vị của mình, bà có đủ điều kiện để an hưởng thụ tuổi già. Tuy nhiên, thay vì nghỉ ngơi, bà lại làm cái việc mà nhiều người cho là "không bình thường ” – đi lượm ve chai phế liệu.

"Nhiều người người ta nói gia rồi mắc mớ gì đi lượm trưa, tối,nắng, mưa, người ta ăn người ta đi chơi chứ việc gì phải khổ như thế. Nhưng cô nghĩ, mình nhìn lên thì không bằng ai, nhìn xuống còn nhiều người chưa bằng mình nên cần phải chia sớt để giúp đỡ cho  con cháu sau này nó học hành nên người phục vụ cho đất nước”, bà Trần Thị Chích chia sẻ.

Chiếc xe đạp cũ kỹ, nón lá và đôi dép này là những hành trang gắn bó với bà Trần Thị Chích trên từng con đường, ngõ hẻm suốt gần 20 năm qua. Bình quân mỗi ngày bà Chích đi hơn 10km nhặt từng mẫu nhôm nhựa phế thải, giấy vụn. Tiền bán phế liệu dẫu ít ỏi chỉ khoảng 200 đến 300 ngàn đồng mỗi tháng nhưng đó là số tiền để bà Chích nuôi heo đất. Mỗi năm một lần trước ngày khai giảng năm học mới bà có ngay những suất học bổng trao cho trẻ em nghèo từ số tiền bán phế liệu.

“Nắng cũng như mưa, sáng cũng như chiều, bà rất là vất vả đi lượm những cái ve chai, những cái giấy vụn về gom lại, tích lũy lại bán cho những người đi mua phê liệu lấy tiền đó để ủng hộ con em nhà nghèo hiếu học hoặc là có những gia đình quá khổ có nguy cơ bỏ học phải nói là bà rất là kịp thời”, bà Trần Thị Chích chia sẻ.

Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, bà Chích vẫn miệt mài với công việc quen thuộc của mình. Bà tâm niệm trẻ thì xông pha, già thì gương mẫu, còn người dân ở huyện Ninh Sơn giờ cũng đã quen với công việc mà bà Chích đang làm.  Nhiều người đã “ủng hộ” bà bằng những túi nhựa, thùng giấy với tấm lòng cảm phục, quý mến.

Cũng có nhiều người đã từng khuyên bà Chích nghỉ ngơi, hoặc chọn một việc khác đỡ vất vả hơn để làm, nhưng với bà, còn sức thì còn làm, làm bằng cái tâm, và cho dù đó là việc chẳng ai muốn làm thì bà vẫn muốn bước tiếp, đó là hành động cụ thể để bà góp phần thắp lên ước mơ cho những em học sinh ở nơi vẫn còn nhiều khó khăn như quê bà./.

Thực hiện : Vũ Túc