Chỉ sau vài giờ đăng tải đoạn clip đã thực sự thu hút được sự chú ý của dân mạng và nhận được hơn 30.000 lượt chia sẻ cùng hàng nghìn lượt bình luận của dân mạng. Đa số đều lên án gay gắt hành vi đánh vợ tàn nhẫn của người chồng trong clip.

Dù cho người vợ van xin, khóc lóc nài nỉ nhưng chàng trai trong clip vẫn thản nhiên, ra sức đánh đập vợ tàn nhẫn. Kèm theo hành động “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” là những lời lẽ chửi mắng hết sức thô tục khiến người nghe ai cũng xót xa, lo lắng cho số phận người vợ.

Sau khi xem xong clip một dân mạng chia sẻ rằng: “Thằng thanh niên đó có vợ và con nhưng vẫn cặp bồ với đứa khác. Người vợ trẻ này ghen nên đi theo dõi thế là anh ta bắt được đánh. Anh ta cho rằng người vợ đã cố tình theo dõi”, một người dùng mạng cho biết.

Nam thanh niên trong clip không chỉ đánh, đấm, đá, giật ngược tóc vợ mà còn liên tiếp tra hỏi: “Mày theo dõi tao. Nó biết được nó có tha cho tao không? Vậy làm sao tao tha cho mày được”.

Chưa dừng lại, ở đoạn sau của Clip, người xem không khỏi rùng mình và đau thay cho người vợ khi người chồng dùng dây thép để đánh.

Nick name Nguyên Hạnh chia sẻ: “Tội nghiệp cho người vợ quá. Người chồng cư xử như thế là trái đạo lý, người vợ có quyền được hỏi han chồng nếu anh ta thật sự có bồ. Không những thế, anh chồng còn không biết cư xử liên tục chửi mắng, đánh vợ như thế. Hành vi này đáng bị lên án và có hình phạt thích đáng”.

Nickname Heoconmummim chia sẻ: “Người phụ nữ thật khổ, lấy phải người chồng lăng nhăng lại còn vũ phu không có tình yêu thương. Người phụ nữ trong clip hẳn đau đớn lắm, cô ấy không những chịu nỗi đau tinh thần mà thể xác cũng bị giày vò. Ngàn lần lên án anh chồng này”.

Nickname Tùng Liên xót xa: “Thương chị vợ quá trời”.

Clip chồng dùng roi sắt đánh vợ dã man vì dám tìm bồ nhí của mình: Cần xử lý thích đáng! - Ảnh 1

Hành động của người chồng khiến dân mạng dậy sóng.

Bên cạnh đó, người xem còn lên án hành động của người quay clip cũng tàn nhẫn không kém với người thanh niên trực tiếp đánh vợ. Nhiều bạn trẻ phẫn nộ vì người này đã không cứu cô gái mà thản nhiên ngồi quay lại clip.

Bức xúc với hành động đánh đập vợ của nam thanh niên, nhiều người lên tiếng cho rằng cần có chế tài xử lý nghiêm hành vi này, nhằm răn đe tính bạo lực trong gia đình.

Clip chồng dùng roi sắt đánh vợ dã man vì dám tìm bồ nhí của mình: Cần xử lý thích đáng! - Ảnh 2

Người chồng túm tóc đánh vợ dã man.

Theo một số nguồn tin của dân mạng, vụ việc xảy ra tại ấp Vĩnh An, xã Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên, Bình Dương. Cũng từ nguồn tin trên PV báo Người đưa tin đã gọi điện thoại trực tiếp tới trụ sở công an xã Tân Vĩnh Hiệp và nhận được câu trả lời là “Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin nào về vụ việc chồng đánh vợ nói trên”.

Trao đổi về vấn đề trên, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay, cho dù bất cứ nguyên nhân nào, bất cứ mối quan hệ thế nào với nạn nhân thì hành vi đánh người như thanh niên trong clip đó cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra mà hành vi đó có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Nếu hành vi trên chỉ xảy ra lần đầu giữa hai người có quan hệ hôn nhân (vợ chồng), chưa bị cơ quan nào xử lý hành chính và thương tật của nạn nhân chưa tới 11% thì hành vi bạo hành này sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 49, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình, cụ thể như sau:

"1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này".

Trong trường hợp người thanh niên đó không có quan hệ vợ chồng người người phụ nữ - nạn nhân thì hành vi đánh người như vậy cũng sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại khoản 3, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP nêu trên, cụ thể như sau:

"3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

e) Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác;..”.

Nếu hành vi đánh người đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm thì lần sau dù thương tích chưa tới 11% thì vẫn bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích.

Nếu hai người đó là vợ chồng mà người chồng thường xuyên có hành vi đánh đập, chửi mắng vợ mình như vậy gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tinh thần của nạn nhân thì hành vi bạo lực này có thể xem xét xử lý theo quy định tại Điều 151 Bộ luật hình sự hiện hành (năm 1999) về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình, cụ thể như sau: “Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm”.

Thông tư số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001 Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành thướng dẫn áp dụng các quy định tại chương XV “các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật hình sự năm 1999 quy định:

"7. Về tội ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình (Điều 151 BLHS)

7.1. Hành vi ngược đãi, hành hạ thông thường được hiểu là việc đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hàng ngày khác đối với người thân như: nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách một cách không bình thường hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể người bị hại như: đánh đập, giam hãm,... làm cho người bị hại bị đau đớn về thể xác và tinh thần.

7.2. Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Hành vi ngược đãi, hành hạ gây hậu quả nghiêm trọng, tức là làm cho người bị ngược đãi, hành hạ luôn luôn bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần hoặc bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe. Hậu quả thương tích hay tổn hại đến sức khỏe là do lỗi vô ý; nếu dẫn đến chết người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người (Điều 98 BLHS).

Trong trường hợp thương tích, tổn hại sức khoẻ hoặc chết người xảy ra do lỗi cố ý, thì tuỳ trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản tương ứng của Điều 104 BLHS về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác hoặc Điều 93 BLHS về tội giết người; nếu làm cho nạn nhân bị uất ức mà tự sát, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bức tử theo Điều 100 BLHS.

b) Người thực hiện hành vi ngược đãi, hành hạ đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.

Nếu hành vi đánh đập, ngược đãi đó mà gây ra thương tích cho nạn nhân ở mức độ đủ xử lý hình sự theo quy định tại Điều 104 BLHS thì đối tượng gây thương tích sẽ bị xử lý về tội cố ý gây thương tích, cụ thể: Nếu thương tích của nạn nhân từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a, đến điểm k, khoản 1, Điều 104 BLHS thì sẽ xử lý hình sự, hình phạt được quy định như sau:

“Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Clip chồng dùng roi sắt đánh vợ dã man vì dám tìm bồ nhí của mình: Cần xử lý thích đáng! - Ảnh 3

Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Hà Nội.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người, hoặc từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.”

Cũng cần lưu ý là đối với các tội danh xâm phạm sức khỏe, danh dự nhân phẩm mà xử lý theo khoản 1 các tội danh quy định của Bộ luật hình sự thì người bị hại phải có đơn yêu cầu thì cơ quan điều tra mới vào cuộc để xử lý (Điều 105 BLTTHS).

Vì vậy, để xử lý đối tượng đánh người nêu trên thì người phụ nữ cần có đơn tố cáo, tố giác tội phạm gửi tới cơ quan điều tra thì cơ quan điều tra mới vào cuộc xử lý theo pháp luật. Nạn nhân cũng có thể liên hệ với luật sư hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý của Sở tư pháp địa phương để được giúp đỡ, hỗ trợ pháp lý, thực hiện các thủ tục tố cáo, tố giác theo quy định pháp luật.

Theo NĐT