Bản báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và tình hình những tháng đầu 2015 do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp QH sáng nay nhấn mạnh những kết quả chung đáng khích lệ.

13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch (tỷ lệ lao động qua đào tạo) được Phó Thủ tướng cập nhật trước QH và đánh giá "hoàn thành tốt hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra". Đặc biệt so với số đã báo cáo QH, có 10 chỉ tiêu đạt tốt hơn và 4 chỉ tiêu không thay đổi.

"Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt tốt hơn so với số đã báo cáo; hầu hết các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch theo nghị quyết QH đã đề ra; khẳng định rõ hơn xu hướng phục hồi của nền kinh tế" - Phó Thủ tướng khẳng định. Ông đặc biệt nhấn mạnh kết quả này đạt được trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình phức tạp trên Biển Đông.

Chống tham nhũng còn hạn chế

Báo cáo cũng đề cập 7 nhóm khó khăn, hạn chế chủ yếu, trong đó nhấn mạnh việc triển khai các cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm.

"Sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng 4,5% so với cùng kỳ 2014" - Phó Thủ tướng cho nay.

Ông cũng nhấn mạnh hạn chế về một số quy định mới liên quan đến người lao động chưa tạo được sự đồng thuận cao, công tác truyền thông chưa tốt, để xảy ra ngừng việc tập thể đông người. Việc triển khai thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo, nhất là trong thi cử còn lúng túng; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn chưa đạt yêu cầu. Công tác quản lý thông tin và an ninh, an toàn mạng còn nhiều sơ hở, bất cập. Sai phạm trong lĩnh vực truyền thông, báo chí còn nhiều...

Một trong những hạn chế là thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực vẫn còn phiền hà, thực thi chưa nghiêm, gây tốn kém thời gian và chi phí của người dân, doanh nghiệp.

"Hiệu quả phòng chống tham nhũng và thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế; việc triển khai luật Tiếp công dân ở một số địa phương còn chưa nghiêm" - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng nêu việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều thách thức, đặc biệt trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông.

Ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối

Đề cập những giải pháp cho những tháng còn lại trong năm, Phó Thủ tướng nêu 7 nhóm vấn đề.

Trước hết, ông khẳng định Chính phủ sẽ chủ động điều hành linh hoạt, hiệu quả và phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, điều hành mặt bằng lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát; tăng cường kiểm soát, nâng cao chất lượng, phấn đấu cả năm đạt tăng trưởng tín dụng khoảng 15% - 17%. Ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối. Từng bước xử lý hiệu quả các khoản mà ngân sách còn nợ. Phấn đấu giữ bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi QH quyết định.

Tiếp tục xử lý hiệu quả nợ xấu, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng; rà soát, loại bỏ các rào cản, vướng mắc cho đầu tư kinh doanh.

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, phấn đấu hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 289 doanh nghiệp.

Phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo. Tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở hậu cần nghề cá, tránh trú bão, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ và hoạt động dài ngày trên biển. Khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân định cư lâu dài trên các đảo và hoạt động kinh tế trên biển. Tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn, thông tin liên lạc, nghiên cứu khoa học và bảo đảm an ninh, an toàn trên biển, đảo.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh nhóm vấn đề đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí, buôn lậu, gian lận thương mại; giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo đó, nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.

Về tăng cường quốc phòng, an ninh, Phó Thủ tướng cho hay Chính phủ tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, ứng phó kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống.

L.Thư - T.Hằng - M.Thăng - H.Phúc - H.Nhì