Chặn sinh kế của dân

Theo phản ánh của người dân xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đến tòa soạn Báo Lao Động, từ ngày 18.9 CA huyện và lực lượng CA xã Cộng Hòa đã đến cắm chốt ở bãi Đồng Kênh thôn An Điền không cho các chủ lò gạch đứng ở đây đốt lò và làm bất cứ hoạt động nào liên quan đến sản xuất gạch.

Sáng 21.9, có mặt tại bãi Đồng Kênh, PV chứng kiến việc lực lượng CA huyện dựng lều bạt tổ chức cắm chốt 24/24 để ngăn chặn người dân sản xuất.

Bà Phùng Thị Anh – một chủ lò gạch đứng cho biết: “Chúng tôi đầu tư 2 cặp lò đứng mất 15 tỉ đồng, giờ còn nợ ngân hàng 2,5 tỉ đồng. Nay CA huyện, xã vào không cho sản xuất thì chỉ còn nước phá sản”. Bà Anh cho biết, cơ sở của bà sử dụng 100 người lao động, thu nhập dao động từ 4-6 triệu đồng/người/tháng, nay lò gạch đứng của bà phải đóng cửa người lao động cũng rất lo lắng cho cuộc sống của họ.

Cặp lò đứng liên tục của Bà Phùng Thị Anh đã bị chính quyền buộc tắt lửa.

Một người lao động ở đây cho biết: “Chúng tôi đều ở lứa tuổi 40-50 không làm được ở công ty nào, Tôi chỉ mong lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện cho chúng tôi có công việc để có thu nhập mà nuôi con cái ăn học và chi tiêu gia đình”.

Khi được hỏi về sự có mặt tại cơ sở sản xuất của người dân, đại úy Nguyễn Khắc Tuyên cho biết ngắn gọn là làm theo lệnh của cấp trên.

 
Một chủ lò gạch đứng đem văn bản của Chính phủ ra chất vấn CA huyện Nam Sách.

Công chức không hiểu… văn bản pháp quy?!

Xác nhận việc cử cán bộ cắm chốt tại khu lò gạch đứng của dân xã Cộng Hòa, thượng tá Lê Minh Khang – Phó trưởng CA huyện Nam Sách cho biết: “CA huyện triển khai lực lượng tham gia lực lượng liên ngành chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công là theo yêu cầu của UBND huyện Nam Sách và xã Cộng Hòa”. Khi PV đặt câu hỏi: “Lò gạch thủ công khác hoàn toàn so với lò gạch đứng liên tục, tại sao lại ngăn không cho người dân sản xuất lò gạch đứng?”. Vị thượng tá này khẳng định: “Tất cả đều là lò gạch thủ công”.


Một Công an viên xã Cộng Hòa tại hiện trường.

Để làm rõ vụ việc, PV đã liên lạc qua điện thoại với Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Sách Nguyễn Tiến Khắc, ông Khắc cho biết: “Việc chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công là theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Thời hạn thực hiện từ 31.6.2016, trên địa bàn xã Cộng Hòa có 9 cặp lò đứng, 3 cặp lò đã dừng hoạt động, còn 6 cặp lò đứng vẫn hoạt động nên Ban chỉ đạo của UBND huyện và các ngành tham gia vào xuống yêu cầu bà con dừng lại”. Như vậy, có thể nói vị Phó Chủ tịch này cũng không phân biệt được lò gạch thủ công với lò gạch đứng liên tục.

Theo tìm hiểu của PV, ngày 15.7.2016 Bộ Xây dựng đã ban hành CV số 1452/BXD-GĐ về việc tăng cường công tác quản lý đối với các lò nung thủ công sản xuất vật liệu xây dựng trên phạm vi toàn quốc gửi các UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo công văn này, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh “Chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến trước năm 2016, chấm dứt hoạt động các lò gạch đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trước năm 2018”.

Theo quy hoạch của Chính phủ thì lò gạch đứng liên tục được phép hoạt động đến trước năm 2018.

Hàng trăm người lao động xã Cộng Hòa đã mất việc làm, mất phương kế sinh nhai.

Như vậy theo CV của Bộ Xây dựng, các chủ lò gạch đứng liên tục có quyền hoạt động sản xuất đến trước năm 2018. Một chủ lò gạch đứng cho biết: “Quy định của trung ương như vậy nhưng đến địa phương thì họ lại làm khác. Chúng tôi đã đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng lò, mua nguyên vật liệu nay phải để chúng tôi sản xuất kinh doanh theo đúng lộ trình đã công bố của Chính phủ. Không cớ gì đánh đồng công nghệ lò gạch đứng liên tục đã được các nhà khoa học chứng minh là hiệu quả, tiết kiệm nhiên liệu và rất ít ô nhiễm môi trường với các lò gạch thủ công để cấm chúng tôi sản xuất”.

Theo Lao Động