Bom chống tăng (BCT) là loại bom hàng không thuộc họ bom chùm hay còn gọi là bom mẹ - con có cấu tạo tương tự như bom bi trước đây nhưng bom mẹ chứa các bom con có đầu đạn xuyên lõm dùng để phóng rải xuống khu vực rộng hàng chục nghìn m2 nơi đội hình xe tăng, xe thiết giáp của đối phương đang tập trung triển khai chiến đấu, nhằm vô hiệu hóa hoặc chặn đứng tạm thời cuộc tiến công của tăng thiết giáp (TTG), tạo điều kiện thời gian cho lực lượng tăng viện đến ứng cứu và diệt TTG bằng phương thức đánh từ trên không vào nóc tháp pháo và nóc thân xe nơi được coi có vỏ giáp mỏng nhất.

Ngoài công dụng chống TTG, BCT còn sử dụng để tiến công trận địa pháo binh, phòng không, kho xăng dầu hoặc sân bay của đối phương. BCT đư­ợc phân loại theo tính điều khiển của bom mẹ có loại rơi tự do và được điều khiển (bằng rađa, INS hoặc GPS); theo hệ thống phóng rải lắp trong bom mẹ có loại phóng rải chiến thuật (TMD - Tactical Munitions Despenser) bom ném trực tiếp xuống khu vực mục tiêu và loại phóng rải hiệu chỉnh theo hư­ớng gió (WCMD - Wind Corrected Munitions Despenser), bom ném ngoài tầm hoả lực của đối ph­ương; theo ngòi nổ của bom con có loại: tiếp xúc (áp điện), vô tuyến và xen xơ (SFW - Sensor Fused Weapon) trong đó BCT có ngòi nổ xen xơ là tiên tiến nhất.

Loại BCT đầu tiên kiểu rơi tự do với các bom con lắp ngòi nổ tiếp xúc được Quân đội Mỹ nghiên cứu và phát triển vào giữa những năm 1960 - loại Mk-20 Rockeye dùng hệ thống phóng rải mìn kiểu Gator, chứa tới 247 bom con kiểu Mk-118, mỗi bom con nặng 0,6 kg mang lượng nổ lõm có khả xuyên thép dày 18 cm hoặc lượng nổ phá mạnh để tiêu diệt sinh lực, năm 1968 Mỹ bắt đầu sử dụng loại bom này trong chiến tranh Việt Nam. Trong chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991, Không quân Mỹ và đồng minh đã ném 27.987 bom Mk-20 chống các mục tiêu TTG, pháo binh và sát thương binh lính.

Sau chiến tranh Việt Nam, BCT được cải tiến cơ bản về kết cấu, loại BCT BL-755 của Anh chứa 21 bom con, trong mỗi bom con lại chứa 7 đạn con (tổng cộng có 147 đạn con) nhồi lượng nổ lõm chống tăng hoặc lượng nổ phá trộn với 1.400 mảnh kim loại sát thương người, Không quân Anh đã sử dụng bom BL-755 trong cuộc chiến tranh Manvinat và Bosnia.

Năm 1986, BCT kiểu CBU-87 loại rơi tự do chứa 202 bom con BLU-97B lắp ngòi nổ vô tuyến được đưa vào trang bị; trong chiến dịch Bão táp sa mạc (1991) Không quân Mỹ đã ném 10.035 bom này. Vào giữa những năm 1990, BCT loại rơi tự do với bom con lắp ngòi nổ xen xơ ra đời, điển hình là kiểu CBU-97/105 với hệ thống phóng rải chiến thuật SUU-66, chứa 10 bom con BLU-108, mỗi bom con mang 4 đạn con xuyên giáp độc lập (còn gọi là Smart Skeet), bom con có cấu tạo phức tạp gồm: rađa đo cao, dù hãm, động cơ rocket tạo chuyển động quay; mỗi đạn con có: xen xơ hồng ngoại thụ động để quét dò tín hiệu hồng ngoại phát ra từ xe TTG; xen xơ laze chủ động xác định biên dạng hình chiếu bằng của xe TTG; lượng nổ tạo hình xuyên phá giáp dày 7 cm và cơ cấu tự hủy nếu đầu đạn không tìm thấy mục tiêu sau khi rơi xuống đất.

Bom CBU-97 được máy bay chiến thuật (F-15E, F-16, A-10) mang 4 - 12 bom, máy bay ném bom chiến l­ược (B-1B, B-2, B-52) mang 16 - 34 bom, đến khu vực mục tiêu ném ở độ cao từ 60 - 6.100 m đối với máy bay chiến thuật, 4.000 - 12.000 m đối với máy bay ném bom chiến lược ở tốc độ bay từ 400 - 1.200 km/h.

Nguyên lý hoạt động của BCT CBU-97 như sau: khi bom rơi xuống độ cao xác định vỏ bom tự động tách ra và phóng rải các bom con; sau đó dù hãm mở, bom con được nâng lên, nhờ rađa đo cao xác định độ cao cần thiết làm động cơ rocket khởi động, bom con tự quay với tốc độ cao tạo ra lực ly tâm làm văng các đầu đạn con ra ngoài, ở độ cao 15 m xen xơ hồng ngoại của đạn con quét tìm mục tiêu trên mặt đất; với 40 đạn con có thể quét diện tích rộng 460 x 150 m, khi bắt được tín hiệu mục tiêu xen xơ làm kích nổ đạn con lao xuống tấn công.

Sơ đồ quá trình hoạt động của bom CBU-97

Trong cuộc chiến tranh tại Kosovo, BCT CBU-97 lần đầu tiên triển khai nhưng chưa sử dụng, năm 2001 sử dụng tại Apganistan và chỉ có hiệu quả khi phóng rải ở độ cao thấp. Ở độ cao lớn do bị tác động của gió nên độ chính xác thấp, vì vậy Không quân Mỹ đã cải tiến bom CBU-97 có cơ cấu tự hiệu chỉnh theo hướng gió WCMD, ký hiệu là CBU-97B sử dụng theo phương án tấn công ngoài tầm hỏa lực (Joint Stand-Off Weapon (JSOW) ở cự ly xa đến 40 - 65 km trong mọi điều kiện thời tiết. Năm 2003, BCT CBU-97B được sử dụng có hiệu quả trong cuộc chiến tranh Iraq.

Cơ cấu tự hiệu chỉnh theo hướng gió của bom mẹ và đạn con

BCT CBU -105B có cơ cấu WCMD

Một số loại BCT chứa cả bom con chống tăng và chống người như kiểu CBU-89A/B, gồm: 72 bom con chống tăng BLU-91/B và 22 bom con chống người BLU-92/B. Trong tương lai gần bom con chống tăng sẽ được cải tiến để đánh vào các mục tiêu có lựa chọn và được tích hợp vào các hệ thống vũ khí khác nhau như: tên lửa hành trình tầm trung và tầm gần, tên lửa chiến thuật đất đối đất, tên lửa không đối đất để tấn công mục tiêu từ rất xa.

Một cuộc tiến công thử nghiệm bom CBU-97 vào khu vực tập trung xe cơ giới

Mặc dù theo thiết kế một số loại BCT hiện đại đều có cơ cấu hẹn giờ tự hủy để làm sạch chiến trường sau khi kết thúc cuộc chiến nhằm không gây thương vong cho con người. Nhưng BCT vẫn thuộc họ bom đạn chùm (Cluster munitions) cực kỳ vô nhân đạo, gây thương vong hàng loạt nhất là khi sử dụng đánh vào mục tiêu dân thường. Tổ chức nhân đạo thế giới (HRW) đã nhiều lần đề nghị các nước ký Hiệp định không sản xuất và không sử dụng bom chùm.

Tính năng kỹ thuật của một số loại bom chống tăng

 

Theo TTVN/Youtube