Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký, trong đó có 28% thí sinh đăng ký chỉ để xét tốt nghiệp THPT và 72% thí sinh sử dụng kết quả để xét tuyển ĐH, CĐ (so với các năm trước có gần 2 triệu hồ sơ đăng ký dự thi ĐH,CĐ và khoảng 20% thí sinh không dự thi tuyển sinh ĐH,CĐ).

Theo Bộ GD-ĐT: "Điều đó khẳng định hiệu quả của công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong việc phân luồng học sinh, giảm chi phí do hồ sơ ảo".

Bộ GD-ĐT cho biết, việc ra đề theo hướng tăng cường đề thi mở, các câu hỏi nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, các vấn đề thời sự của đất nước; hạn chế việc ra các câu hỏi yêu cầu học sinh phải nhớ máy móc các con số và sự kiện, việc luyện thi tràn lan như những năm trước đây đã giảm rõ rệt và đề thi đã tạo tâm lý thoải mái, hứng thú, sáng tạo cho thí sinh khi làm bài thi. Tại buổi họp báo, các phóng viên đã đặt ra những thắc mắc về kỳ thi.

Phóng viên:Tại sao vẫn lựa chọn thời điểm tổ chức vào tháng 7, rất nắng nóng, bất lợi Tại sao không chọn vào tháng 6 để thuận lợi hơn cho các cụm trong việc chấm thi? Có phải Bộ chọn tổ chức thi vào tháng 7 vì muốn né tránh kỳ họp Quốc hội để giảm sức ép?

Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Mai Văn Trinh: Có những việc ngoài tầm kiểm soát, như nắng nóng bất thường 40 năm nay mới xảy ra.

Sau kỳ thi này, Bộ và các trường sẽ phải họp bàn nhiều việc để rút kinh nghiệm.

Có thể nói "lịch sử" của việc ấn định thời gian thi như thế này: Ban đầu, Bộ dự kiến tổ chức thi vào ngày 15/6. Tuy nhiên, các trường đại học phản ánh thời gian đó các trường chưa kết thúc năm học, sinh viên chưa thi, ký túc xá chưa giải phóng. Trong khi đó, hơn 70% thí sinh thi ở cụm đại học. Vì vậy, nếu tổ chức vào thời điểm này các trường đại học sẽ rất khó khăn vì giảng đường chưa được giải phóng.

Hơn nữa, thí sinh cũng phản ánh nếu tổ chức thi giữa tháng 6 các em sẽ bị hụt mất 2 tuần ôn thi so với năm trước.

Vì vậy, Bộ quyết định tổ chức thi vào tháng 7, chứ hoàn toàn không bị ràng buộc thời gian họp quốc hội. Quốc hội rất ủng hộ ngành giáo dục, và chúng tôi không né tránh.

Với các câu hỏi về tính nghiêm túc của kỳ thi như: "Theo quan sát từ vòng ngoài kỳ thi diễn ra khá êm ả nhưng từ các số liệu do các cụm thi gửi về có những cụm thi địa phương hầu như không có thí sinh bị xử lý. Thí sinh bị xử lý đa số ở các cụm thi lớn do trường đại học xử lý. Có phải ngẫu nhiên không? Nếu phát hiện có dấu hiệu buông lỏng Bộ làm gì?", Phải chăng có sự không nghiêm túc trong các cụm thi, hay thí sinh thi đại học không nghiêm túc bằng thi tốt nghiệp. Có phân tách số liệu không?"…

Ông Mai Văn Trinh đã "gom" lại và trả lời như sau:

- Trong cách thức tổ chức của kỳ thi năm nay các cụm thi đều có sự tham gia của cán bộ giảng viên đại học, thanh tra rải đều khắp các cụm. Các cụm này chỉ khác nhau về địa điểm để tạo điều kiện cho thí sinh.

Chúng tôi không có ý phân biệt 2 cụm thi nên không bóc tách các số liệu thống kê. Nếu như, như số liệu các bạn đưa ra là cụm thi đại học nhiều thí sinh vi phạm hơn cụm địa phương, thì có thể nói rằng một thực tế là những TS lấy kết quả để tuyển sinh đại học chịu áp lực cao hơn thí sinh thi tốt nghiệp, nên ý định vi phạm lớn hơn. 

Phóng viên:Bộ có dự định điều chỉnh gì để tránh lãng phí khi có những 1 môn thi chỉ có 1 thí sinh ở một hội đồng?

Ông Mai Văn Trinh: Việc phòng thi chỉ có 1 thí sinh xuất hiện từ việc thi tự chọn. Hiện nay, chúng ta không phải dạy 1 lớp 40 học sinh mà dạy học theo hướng 40 học sinh 1 lớp, theo năng lực và sự đam mê của các em. Việc tự chọn môn thi khiến số lượng của các môn thi phân bố không đều do năng lực, do đam mê của các em.

Di chuyển thí sinh sang hội đồng khác để tiết kiệm nhân lực là việc không khó. Nhưng kỳ thi được tổ chức với định hướng dành thuận lợi nhất cho thí sinh, cho dù các thầy cô vất vả tốn kém hơn một chút.

Phóng viên:Đánh giá của Bộ GD-ĐT kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc. Đâu là thước đo quan trọng nhất để Bộ đưa ra kết luận này?

Ông Mai Văn Trinh: Một kỳ thi an toàn, nghiêm túc được đánh giá trên nhiều phương diện. Trước hết là hình thức, sau đó còn là nội dung, với việc phân tích phổ điểm, kết quả thi.

Nhưng có thể thấy, trước mắt về hình thức thì những hiện tượng như trước không còn. Trường thi sạch sẽ hơn, không còn hiện tượng phao thi rải trắng sân trường như nhiều năm trước... Phao thi nếu có chỉ xuất hiện ở cổng trường, ngoài trường thi, dù vậy cũng gây ra tình trạng mất mỹ quan. Sau khi có phản ánh chúng tôi đã chỉ đạo hội đồng có tình trạng này tăng cường gíám sát, và những hình ảnh như vậy đã không lặp lại ở các buổi thi tiếp theo.

Cũng qua phản ánh của báo chí thì các điểm in ấn phao thi đã giảm hẳn.

Có thể các bạn đặt ra câu hỏi Tại sao vẫn còn nhiều vi phạm? Câu trả lời của tôi là điều này chứng tỏ các hội đồng thi đã làm nghiêm quy chế thi, vi phạm là xử lý kỷ luật.

Ý kiến chính thức của Bộ GD-ĐT về câu chuyện rò rỉ đề thi Ngoại ngữ trên Facebook?

Ông Mai Văn Trinh: Ngay khi có thông tin, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi cơ quan công an để nghị phối hợp công an điều tra. Thông tin ban đầu cho biết đây là tài khoản facebook được lập từ năm 2013. Từ đó đến nay, tài khoản này bị kiểm soát, chỉ có 4 lần đăng thông tin, với lần gần nhất vào ngày 7/1/2015.

Việc bày 4 - 5 đề thi lên chụp ảnh như tài khoản này đã đăng là điều khó xảy ra trên thực tế.

22h tối ngày 3/7,  trên một tài khoản facebook khác cũng đưa đề thi lịch sử, nhưng đó cũng không phải là đề thi thực tế.

Có thể nói đây là hành vi lạm dụng công nghệ.

Khi nào có kết quả điều tra cuối cùng, chúng tôi sẽ thông tin rộng rãi.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Ở đây cần phân biệt khái niệm lộ đề. Lộ đề là trước khi sử dụng đề đã có người ngoài biết. Lọt đề là vi phạm của thí sinh và giám thị làm lọt đề ra bên ngoài.

Đề thi năm nay được đánh giá đạt yêu cầu phân hóa và kết hợp. Nhưng đề thi môn tự luận không được đánh giá cao về chất lượng như mọi năm. Vậy việc tích hợp như thế có hợp lý và khả thi. Bộ có dự kiến điều chỉnh gì trong kỳ thi tới không?

Ông Mai Văn Trinh: Đang có nhiều cách tiếp cận với đề thi. Bước đầu, tôi cho rằng căn bản là đề thi năm nay không thể so sánh đề tốt nghiệp và đề thi tuyển sinh năm 2014 và những năm trước đó, bởi mục đích của các đề thi này khác nhau, và chúng được đặt trong các hệ quy chiếu khác nhau rồi.

Kỳ thi năm nay có mục tiêu kép, và cũng là năm đầu tiên thực hiện. Chúng ta nhận những thành công bước đầu của ban đề thi. Khi có phổ điểm sẽ đánh giá rõ hơn được đề thi năm nay.

Theo thống kê của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ có 1% thí sinh đồng thời chọn thi cả hai môn Lịch sử và Địa lý, hoặc đồng thời thi cả hai môn Vật lý và Hóa học. Số lượng thí sinh dự thi môn Lịch sử trên toàn quốc cũng không nhiều. Vậy Bộ có tính tới phương án ghép 2 môn thi vào một buổi để giảm thời gian và chi phí?

Ông Mai Văn Trinh: Việc ghép hai môn thi vào một buổi để giảm thời gian và chi phí là việc làm không mới. Năm trước đã thực hiện ghép ở kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, chỉ thi trong thời gian ngắn mới ghép được. Thời gian của môn thi dài như đợt thi này mà ghép sẽ khổ cho thí sinh.

Việc một hội đồng thi cho phép thí sinh quên buổi thi đã đăng ký được chuyển sang môn thi khác có đúng quy chế không?

Ông Mai Văn Trinh:  Việc để các cháu quên buổi thi không nhiều. Bộ động viên cụm thi cho phép các cháu thi môn khác để xét tốt nghiệp. Đây là việc làm nhân văn, và chúng tôi mong rằng mọi người ủng hộ.

Ông Nguyễn Vinh Hiển: Nếu thí sinh nhầm buổi thi, mong muốn được thi buổi khác để lấy kết quả tốt nghiệp, về nguyên tắc Bộ đồng ý, nhưng tùy các hội đồng thi căn cứ tình hình thực tế để xử lý. Và Bộ chỉ đồng ý nếu thi để tốt nghiệp.

Cũng có nhiều người cho rằng đề thi hơi quá khó với tốt nghiệp, hơi dễ với đại học. Có phải đề thi năm nay rơi vào tình trạng cao không tới thấp không thông? Liệu mức điểm tập trung ở quãng 5, 6, 7 như nhiều người dự đoán có gây khó khăn cho các trường đại học trong việc xét tuyển không?

Ông Mai Văn Trinh: Với hình thức tuyển sinh như hiện nay, thì việc tuyển sinh sẽ cạnh tranh bằng chất liệu và thương hiệu nhà trường. Các trường đại học đang thực hiện tự chủ và phân tầng trên cơ sở chất lượng

Thí sinh sẽ căn cứ vào kết quả thi và nguyện vọng của mình để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường phù hợp.

Năm nay, trong 20 ngày đầu đăng ký để xét nguyện vọng 1, cứ 3 ngày các trường sẽ cập nhật tình hình hồ sơ xét tuyển 1 lần. Thí sinh sẽ căn cứ vào đó để căn chỉnh thay đổi nguyện vọng. Điều này có thể sẽ khiến các trường gặp đôi chút khó khăn, nhưng người hưởng lợi và thí sinh, và tôi cho rằng cùng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và sự tận tâm của cán bộ nhà trường, việc này sẽ sớm vào nề nếp.

Chất lượng tuyển sinh sẽ phụ thuộc đẳng cấp và chất lượng của mỗi trường.

Theo thống kê của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội chỉ có 1% thí sinh đồng thời chọn thi cả hai môn Lịch sử và Địa lý, hoặc đồng thời thi cả hai môn Vật lý và Hóa học. Số lượng thí sinh dự thi môn Lịch sử trên toàn quốc cũng không nhiều. Vậy Bộ có tính tới phương án ghép 2 môn thi vào một buổi để giảm thời gian và chi phí?

- Ông Mai Văn Trinh: Việc ghép hai môn thi vào một buổi để giảm thời gian và chi phí là việc làm không mới. Năm trước đã thực hiện ghép ở kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, chỉ thi trong thời gian ngắn mới ghép được. Thời gian của môn thi dài như đợt thi này mà ghép sẽ khổ cho thí sinh.

Kỳ thi này có phải là bước chuẩn bị cho cải tiến mạnh mẽ hơn như xét công nhận tốt nghiệp lớp 12. Hay đây sẽ là phương án lâu dài? Bộ có dự kiến gì cho đổi mới năm sau chưa?

- Thứ Trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Thi cử, kiểm tra đánh giá được thực hiện đồng bộ với đổi mới nội dung dạy học, đánh giá. Chúng ta đang hướng tới giảm tải, phát huy sự chủ động tích cực của học sinh, khắc phục tiêu cực, đánh giá đúng chất lượng dạy và học.

Luật Giáo dục vẫn quy định thi tốt nghiệp, và giao cho các trường đại học chủ động tuyển sinh. Kỳ thi năm nay làm được cả hai điều.

Kỳ thi này là lần thay đổi lớn, căn bản. Ưu điểm có, hạn chế có, chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh cho tốt hơn. Thay đổi lớn như vậy mà chúng ta đã làm được thì những việc khác cũng sẽ làm được.

  • Văn Chung  - Ngân Anh(Ghi)