Kể từ khi ngành giáo dục và đào tạo thực hiện Thông tư 30/2014 và gần đây là Thông tư 22/2016 về đánh giá học sinh tiểu học, cứ mỗi khi đến dịp kết thúc năm học, cả xã hội đều băn khoăn và ngạc nhiên trước cách thức ghi giấy khen cho con em mình.

Xung quanh vấn đề này, chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietNamNet có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT).

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông gần đây nhiều bậc phụ huynh than phiền giấy khen học sinh ngày nay không còn có giá trị như trước. Nội dung khen rất chung chung như khen học sinh từng mặt, học sinh vượt trội rồi khen có tinh thần tương thân tương ái,… Thậm chí, phụ huynh gọi đó là tình trạng "loạn giấy khen". Ông nghĩ sao về góc nhìn đó?

Ông Nguyễn Đức Hữu: Trước hết tôi phải khẳng định rằng, nếu gọi đó là tình trạng "loạn giấy khen" là không đúng, không thật sự chính xác.

Thông tư 22 mà Bộ GD-ĐT đưa ra đã khắc phục được những bất cập của Thông tư 30, khắc phục được bệnh thành tích ở các nhà trường. Tuy nhiên, ở đâu đó một vài trường tiểu học, việc khen thưởng học sinh đã chưa thực hiện được đúng theo quy định của Thông tư 22.

Ví dụ như việc học sinh chưa thực sự xứng đáng nhưng cũng có khen thưởng khiến cho phụ huynh cảm giác "sao mà khen nhiều thế". Về việc ghi giấy khen, Thông tư 22 đã quy định rất rõ 2 loại, giấy khen ghi khen em vì đã đạt kết quả xuất sắc trong học tập, rèn luyện và giấy khen khen em có thành tích vượt trội hay có thành tích vượt bậc ở môn học cụ thể, ví dụ môn Toán, Âm nhạc hay là năng lực phẩm chất nào đó.

Theo Thông tư 22, giấy khen không phải ghi chung chung là có năng lực vượt trội như ở một số trường đã làm, khiến cho vì thế mà phụ huynh không hiểu.

Có trường còn ghi giấy khen với nội dung có thành tích vượt trội 7 môn. Loại giấy khen ghi thành tích vượt trội như thế là không phải vượt trội. Nếu các trường khen như thế thì chưa đúng theo quy định của Thông tư 22.

Giấy khen, đánh giá học sinh tiểu học, bệnh thành tích giáo dục

Ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT chia sẻ với Góc nhìn thẳng

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, bên cạnh câu chuyện nội dung ghi giấy khen như thế nào thì gần đây chúng ta cũng nói nhiều đến vấn đề “lạm phát điểm 10". Điểm 10 nhiều đến mức đã trở nên đại trà. 

Như các thế hệ xưa, điểm 10 rất khó đạt được. Vậy ông có nghĩ rằng có sự liên quan giữa câu chuyện điểm 10 phổ biến hiện nay và dễ dàng được giấy khen, thậm chí trong một lớp học 40 học sinh có tới 38 em có giấy khen?

Ông Nguyễn Đức Hữu: Chúng tôi không nghĩ rằng điểm 10 hiện nay lại quá dễ dàng đối với các em như thế. Việc đạt được từ điểm 5 trở lên thì có thể em nào cũng đạt được nhưng đạt điểm 9, 10 không phải là chuyện dễ.

Tuy nhiên, nếu các phụ huynh nói điểm 9,10 quá dễ hoặc là quá nhiều thì chúng tôi nghĩ rằng, có thể vì đâu đó, giáo viên cũng có thể nới tay hoặc ở góc độ nào đó, vì thương học sinh quá đến nỗi có thể chấm điểm không đúng theo với quy định.

Dù vậy, điểm 9, điểm 10 hiện nay cũng chỉ là 1 trong những yếu tố để làm căn cứ xét khen thưởng. Bởi hiện nay, chúng tôi rất coi trọng việc đánh giá thường xuyên học sinh. Từ đánh giá thường xuyên ấy, chúng tôi xếp các em vào các mức "đã hoàn thành tốt", "hoàn thành" hay "chưa hoàn thành", rồi xem năng lực, phẩm chất các em đạt được ở mức nào.... Đạt được cả 3 yếu tố này để được khen thưởng là học sinh xuất sắc cũng không phải là chuyện dễ dàng.

Nhà báo Phạm Huyền: Vậy ông lý giải như thế nào về cảm giác của đa phần các bậc phụ huynh vẫn thấy rằng con em mình đang được khen một cách rất dễ dãi? Mức độ khen với phạm vi rộng như vậy có phải là chủ trương của Bộ GD-ĐT?

 

Giấy khen, đánh giá học sinh tiểu học, bệnh thành tích giáo dục

Một giấy khen khiến phụ huynh băn khoăn đã bị Nhà trường thu hồi lại 

 

Ông Nguyễn Đức Hữu: Nếu thực hiện đúng Thông tư 22 thì sẽ không có chuyện khen nhiều mà chúng ta vẫn nói là khen tràn lan.

Bởi nếu làm như vậy thì giá trị, ý nghĩa của giấy khen mà các em nhận về cũng không còn thiêng liêng nữa. Tuy nhiên không phải là em nào cũng phải phấn đấu để có giấy khen bởi tùy theo điều kiện, khả năng, năng lực của mình, em đã cố gắng với chính bản thân em và cố gắng tốt rồi thì đó chính là điều đáng khen nhất.

Còn việc ghi giấy khen cuối năm mà làm cho việc khen thưởng nhạt nhòa hoặc làm cho phụ huynh cảm thấy khó hiểu, không phấn khởi, nếu như ở trường nào có tình trạng này, chúng tôi sẽ rà soát và chấn chỉnh.

Nhà báo Phạm Huyền:Trước đây, chúng ta chỉ thấy giấy khen với những lời ghi là đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi, học sinh xuất sắc hoặc khen em đã đạt thành tích cao trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia... Giờ đây theo Thông tư 22, giấy khen chỉ còn 2 nội dung ghi là học sinh xuất sắc và học sinh có thành tích vượt trội. Vậy ông nhìn nhận thế nào về cái được - mất khi thay đổi hình thức khen như vậy?

Ông Nguyễn Đức Hữu: Chưa nói đến việc khen thưởng, ngay như việc đánh giá học sinh, trước đây là theo một thước đo chung cho tất cả các học sinh và có xếp thứ hạng, so sánh giữa học sinh này, học sinh kia trong cùng một lớp học. Thời chúng tôi đi học cũng được xếp thứ hạng như thế. Tôi có kỷ niệm, kỳ nào được xếp thứ nhất, thứ nhì trong lớp, bố mẹ tôi rất phấn khởi nhưng kỳ nào xếp thứ 10 là thấy buồn rồi. Cho nên, chúng tôi cứ phải gồng lên để đạt thứ hạng cao trong lớp.

Cách thức đó đã tạo áp lực cho học sinh. Không phải đánh giá về sự tiến bộ của chính học sinh so với khả năng, so với chính mình mà lại tạo ra sự mặc cảm, buồn chán cho các em, nhất là đối với các em đứng cuối, mà chúng tôi gọi là đội sổ.

Nhưng hiện nay, không có việc xếp hạng nữa. Đánh giá học sinh tiểu học là đánh giá cả một quá trình phấn đấu. Tôi cho rằng, đó là một cách đánh giá hết sức nhân văn.

Hiện nay các nước trong khu vực và thế giới cũng đánh giá học sinh tiểu học như vậy. Cuối năm, họ không có giấy khen. Tôi thấy phụ huynh các nước cũng không đòi hỏi cuối năm con em mình phải mang giấy khen về để bố mẹ phấn khởi hoặc mang đến cơ quan nhận thưởng.

Ở các cơ quan, doanh nghiệp, cũng có cơ chế bố mẹ mang giấy khen của con em mình đến, rồi các đơn vị đó cũng phân loại giấy khen ra, giấy khen có học sinh xuất sắc và khen có thành tích vượt trội... để phân chia mức thưởng khác nhau.

Một lần nữa, tôi cũng xin nhấn mạnh rằng, khi hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh là các giấy khen đó bình đẳng với nhau.

Nhà báo Phạm Huyền: Ngành giáo dục đã có tư duy đổi mới thông thoáng như vậy về việc khen thưởng, nhưng về phía các phụ huynh, ông có nghĩ rằng dường như họ vẫn nặng về bệnh thành tích không?

Ông Nguyễn Đức Hữu: Tôi không bình luận về điều đó. Nhưng tôi muốn có một lời khuyên cho các bậc phụ huynh học sinh. Chúng ta hãy cảm thấy hạnh phúc, tự hào về con em mình khi mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Trước đây, khi con đi học về, bố mẹ hay hỏi con có được điểm 10 không? Nếu con nói có thì bố mẹ cảm thấy rất phấn khởi. Thậm chí có gia đình còn thưởng cho con bằng cách này cách khác, thậm chí bằng tiền.

Tôi nghĩ rằng, bố mẹ luôn luôn kỳ vọng nhiều quá vào con em mình, muốn con em mình hơn con em người khác mới cảm thấy là phấn khởi, hạnh phúc. Quan niệm như vậy, tôi cho là không đúng.

Như trên tôi nói, mỗi em học sinh có những năng lực, sở trường, mơ ước, khát vọng khác nhau. Các em đến trường học, tu dưỡng, học tập, vượt lên chính mình, trở thành chính mình, các em cố gắng tiến bộ hàng ngày thì đó là hạnh phúc cho mỗi gia đình, cho các bố mẹ. Nếu như năm nào cũng đòi con phải có giấy khen thì có khi, các em chán, không muốn đến trường nữa.

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền

Video: Xuân Quý, Bạt Tuấn, Huy Phúc

email: gocnhinthang@vietnamnet.vn