Với các hành vi: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Trốn thuế và Kinh doanh trái phép, bầu Kiên bị đề nghị mức án đối với 30 năm tù giam.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (SN 1964, trú ở phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) cùng các đồng phạm bị VKSND Tối cao truy tố về 4 tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Trốn thuế và Kinh doanh trái phép.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị truy tố về cả 4 tội nêu trên.

bầu Kiên, xét xử, tuyên án, trốn thuế, lừa đảo, Ngân hàng Á Châu ACB
Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm trong phiên xét xử sơ thẩm. (Ảnh: Nam Phong)

Hai bị cáo: Trần Ngọc Thanh (Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội), Nguyễn Thị Hải Yến (Kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Các bị cáo: Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang (đều nguyên là Phó Chủ tịch Ngân hàng ACB), Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB), Phạm Trung Cang (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB), Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên thường trực HĐQT ngân hàng ACB) cùng bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

VKSND Tối cao cáo buộc Nguyễn Đức Kiên lợi dụng vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành ngân hàng ACB, thông qua 6 công ty (Cty cổ phần phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam, Cty cổ phần đầu tư thương mại B&B, Cty cổ phần tập đoàn tài chính Á Châu (AFG), Cty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI), Cty cổ phần đầu tư Á Châu và công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (ACIHN) thực hiện hàng loạt các hành vi phạm tội, trong đó có hành vi kinh doanh vàng, tài chính trái phép và trốn thuế.

Cơ quan công tố xác định: Việc thống nhất ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của các ông: Giá, Quang, Cang, Kỳ, Hải và hành vi tổ chức thực hiện việc đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB của "bầu Kiên", Kỳ là trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại gần 688 tỷ đồng.

Ngoài ra, các bị cáo: Giá, Cang, Quang, Kỳ, Hải, Kiên còn bị xem xét về hành vi ban hành chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB gửi tiền vào Vietinbank gây thiệt hại gần 719 tỷ đồng...

VKSND Tối cao cho rằng, có đủ cơ sở để truy tố các bị cáo về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Trước đó, vào sáng 20/5, vì lý do sức khỏe - bị cáo không thể dự tòa, HĐXX đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB).

Trong phần tuyên án, HĐXX cho rằng, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, bằng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, thực hiện hành vi không đúng pháp luật, tạo dòng tiền ảo, cổ phiếu ảo...

Việc huy động tiền của người dân gửi vào ngân hàng rồi lại mang tiền gửi sang ngân hàng khác, không tuân theo quy luật thị trường, là việc làm trái pháp luật.

Các bị cáo đã đầu tư vào công ty sân sau, lũng đoạn thị trường tài chính, gây hậu quả xấu có thể xảy ra nên cần xử phạt nghiêm.

So với các bị cáo khác, bị cáo Nguyễn Đức Kiên khai báo không thành khẩn nên không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ.

Các bị cáo khác được áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ.

Về trách nhiệm dân sự, thiệt hại do hành vi làm trái của các bị cáo gây ra, bị Huyền Như chiếm đoạt là 718 tỷ đồng, HĐXX không xem xét trong vụ án này.

Ngân hàng ACB không xác nhận có thiệt hại 718 tỷ đồng nên HĐXX tách ra giải quyết sau.

Tiếp tục kê kiên nhà, đất của Nguyễn Đức Kiên.

Ngân hàng ACB còn ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào 22 ngân hàng khác để lấy lãi, trong đó có lãi vượt trần. Việc này là trái quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, hành vi làm trái này chưa gây hậu quả nên không xem xét.

Các ngân hàng đã nhận tiền gửi của ACB, tách ra để điều tra theo đúng pháp luật.

HĐXX kiến nghị các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật, khắc phục các kẽ hở trong các quy định của pháp luật, bổ sung các quy định để tháo vướng mắc cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh...

bầu Kiên, xét xử, tuyên án, trốn thuế, lừa đảo, Ngân hàng Á Châu ACB
Ảnh Nam Phong

Trên cơ sở đó, Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính, Chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX tuyên:

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên:

Tội Kinh doanh trái phép: 20 tháng tù giam.

Trốn thuế: 6 năm 6 tháng

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: 20 năm.

Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng: 18 năm.

Hình phạt chung là 30 năm tù.

Phạt số tiền tốn thuế hơn 75 tỷ để sung quỹ Nhà nước, 100 triệu đồng hành vi lừa đảo, cấm trong 5 năm sau khi hết hạn tù.

Nhóm bị cáo bị truy tố về tội Cố ý làm trái:

- Bị cáo Lê Vũ Kỳ: 5 năm tù.

- Bị cáo Trịnh Kim Quang: 4 năm.

- Bị cáo Phạm Trung Cang: 3 năm tù.

- Bị cáo Lý Xuân Hải: 8 năm.

- Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn: 2 năm tù.

Nhóm bị cáo bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài: sản

- Bị cáo Trần Ngọc Thanh: 5 năm 6 tháng.

- Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến: 5 năm.

HĐXX công bố hai quyết định khởi tố vụ án:

Căn cứ kết quả xét hỏi tại tòa và hồ sơ vụ án, HDXX xét thấy có dấu hiệu phạm tội kinh doanh trái phép tại ngân hàng ACB và Vietbank. Quyết định vụ án hình sự kinh doanh trái phép tại hai ngân hàng này.

HĐXX cho rằng, hành vi của Huỳnh Bảo Ngọc, phó phòng quản lý quỹ của của ACB có dấu hiệu đồng phạm với Huỳnh Huyền Như, quyết định khởi tố vụ án lừa đảo tài sản đối với Ngọc.

XEM CLIP TUYÊN ÁN:


T.Nhung