Rắn “phù thủy”

Ông Võ Ngọc Hạnh - Đội phó Đội quản lý thị trường (QLTT) số 3 thuộc Chi cục QLTT Phú Yên cung cấp chi tiết cho phóng viên NTNN về vụ phát hiện ổ rượu lậu “khủng” ở khu phố 1 thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa. Từ nguồn tin của người dân, khoảng 18 giờ ngày 5.3, lực lượng liên ngành phát hiện tại nhà bà Huỳnh Thị Pha (54 tuổi) đang tàng trữ một lượng lớn rượu ngâm rắn hổ mang giả, cùng với nhiều rắn sống, rắn cấp đông và các bao rễ cây không rõ nguồn gốc.


Ông Võ Ngọc Hạnh kiểm tra những chai rượu ngâm rắn hổ mang giả vừa thu giữ. (H.P)

Số lượng hàng hóa sau đó được QLTT thống kê gồm: 500 chai rượu rắn ngâm thành phẩm (loại chai dẹt 0,25 - 0,75 lít, không nhãn mác) đang xếp trong hàng chục thùng giấy lớn nhỏ; 19 thùng xô (loại 60 lít/thùng) chứa rắn ráo, rắn nước đã xử lý thành rắn hổ mang; 100kg rễ cây được cho là đẳng sâm không rõ nguồn gốc; 3 tủ rắn cấp đông và 27kg rắn đủ loại còn sống. Thời gian qua, bà Pha được biết đến là một người chuyên thu mua lươn, rắn, ếch… để xuất bán đi nhiều nơi.

Qua xem xét lô hàng tang vật, cơ quan chức năng nhận định, số rắn có tại đây hầu hết là rắn ráo được “phù phép” thành rắn hổ mang bành. Việc hô biến đầu rắn tròn thành dẹp được thực hiện khá đơn giản nhưng… hiệu nghiệm. Đó là luồn xuyên hai đoạn dây thép từ miệng đến gần bụng con rắn bất kỳ, sau đó nhét rắn vào chai, rồi cho bung cong hai đoạn dây thép, tạo “bành” móc đứng trong chai. Xong, bỏ thêm vài cọng “sâm”, thế là thành rượu “hổ mang oai vệ”!

Ông Lưu Vĩnh Phương - Đội trưởng Đội QLTT số 3 cho biết thêm, quan sát kỹ phần “bành” trong chai rượu rắn thì dễ dàng phát hiện lấp ló sợi dây thép, dù đã được sắp xếp, ngụy trang bằng các cọng rễ “sâm”. Qua điều tra, có thể khẳng định tại nhà bà Pha là một cơ sở “phù phép” rắn dỏm để làm rượu ngâm rắn hổ mang, rồi đưa đi nhiều nơi tiêu thụ.

Đường dây sản xuất rượu bổ “tào lao”?

Theo ông Võ Ngọc Hạnh, tại cuộc kiểm tra ngày 5.3, do trời đã tối nên lực lượng liên ngành chỉ lập biên bản kiểm kê và thu giữ lượng rượu chai thành phẩm; còn số rắn cấp đông và rắn sống vẫn để lại nhà bà Pha vì khối lượng quá lớn, giao cho chủ nhà tạm giữ, định ngày hôm sau sẽ tiếp tục xử lý. Sáng 6.3, bà Pha được triệu tập đến Đội QLTT số 3 để làm việc. Theo lời khai ban đầu của bà Pha, số rượu rắn “phù phép” trên là do một số đầu mối khác làm ra, còn bà chỉ là người mua để xuất bán lại… Thế nhưng sáng đó, bước ra khỏi văn phòng Đội QLTT số 3, bà Pha lập tức biến mất khỏi địa phương. Lực lượng chức năng đến nhà bà thì thấy cửa đóng kín, khóa kỹ bên ngoài.

Ông Lưu Vĩnh Phương cho hay, cơ quan chức năng đã đến quê gốc của bà Pha (ở xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, Phú Yên) để truy tìm thì các con bà đều nói “không biết mẹ ở đâu”. Từ ngày 19.3, QLTT địa phương đã phát thông báo truy tìm chủ lô hàng hóa bị lập biên bản trên. “Sau 30 ngày kể từ ngày thông báo, nếu bà Pha không đến nhận số hàng trên, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định. Thế nhưng vụ việc còn liên quan nhiều vấn đề phức tạp nên phải chờ lập hội đồng chức năng để có hướng xử lý rốt ráo. Chúng tôi cũng đã phát hiện một vụ việc tương tự tại huyện Tây Hòa vào năm 2013, nhưng việc truy nguyên “quy trình biến” giả rắn hổ mang thì hết sức khó khăn. Vì giá trị thực tế không lớn nên chỉ xử phạt hành chính” - ông Phương nói.

Dễ ngộ độc, gây chết người

Lương y Lê Huy Kông - Chủ tịch Hội Đông y huyện Đông Hòa cho hay, các loại rắn không độc được mua đại trà trên thị trường chỉ có giá vài chục ngàn đồng/kg, còn rắn hổ mang bành lúc này có giá hàng triệu đồng/kg. Rễ cây được cho là thuốc bổ cũng rất dễ dàng tìm mua, phần lớn nhập lậu từ Trung Quốc. “Mấy thứ tào lao này mà đem ngâm với rượu pha màu uống vào chẳng bổ béo gì, có khi còn ngộ độc. Khi họ nhét rắn vào chai có miệng hẹp, cái “bành” bung lớn, rất khó moi ra kiểm tra là… rắn gì. Và loại rượu “ma mị” được chế biến chui lủi thiếu vệ sinh, ngâm với rắn đã chết nhiều ngày, rất dễ gây ngộ độc, thậm chí chết người” - lương y Kông nhấn mạnh

Theo Dân Việt