Cùng  với việc trở thành điểm đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam đang đón nhận số lượng lớn người nước ngoài đến sinh sống và làm việc. Tuy nhiên thì pháp luật hiện hành về nhà ở vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng khiến cho hầu hết các chuyên gia, người nước ngoài đang phải lựa chọn việc thuê nhà hoặc phải nhờ người khác đứng tên mua nhà tại Việt Nam. Qui định mới của luật nhà ở, có hiệu lực từ ngày 1.7 tới đây được coi là sẽ gỡ nút thắt, tạo sự thuận lợi hơn cho những người nước ngoài có nhu cầu về nhà ở tại nước ta.
 
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết:"Nhiều người nước ngoài tới Việt nam làm việc có người cũng mong muốn ở lại VN lâu dài hoặc họ thấy rằng thị trường BĐS VN có tiềm năng và muốn đầu tư vào. Ngày trước thì họ phải lách qua công ty hoặc là phải nhờ người khác đứng tên nhưng bây giờ khi mở rộng như vậy thì tôi nghĩ là sẽ rất tốt. nó vừa đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài và cũng sẽ là 1 nguồn lực giúp cho BĐS tốt hơn".
 
Giới phân tích thì nhìn nhận, việc cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thị trường. Đặc biệt, sự thay đổi này sẽ giải quyết được 1 lượng lớn hàng tồn kho cho bất động sản.
 
Tiến sĩ Lê Duy Hiếu, Chuyên gia kinh tế nhận định để hiểu được yếu tố nước ngoài có vai trò như thế nào đối với thị trường bất động sản ở Việt Nam thì trước hết mình cứ nhìn vào những bài học trên thế giới. Năm 2008, khi nước Mỹ rơi vào cái bong bóng bất động sản bị vỡ do cái chuyện vay dưới chuẩn thì kết quả là cái giải cứu bất động sản ở Mỹ là do các nhà đầu tư ở nước ngoài, không phải là những nhà đầu tư ở Mỹ  trực tiếp đã giải cứu cái này, mà đặc biệt là Nhật Bản. Người ta mua cái nợ xấu bất động sản thông qua cái thi trường chứng khoán. Đấy cũng có thể xem là 1 cách làm tương đối giống với hiện tại ở nước ta.
 
Hiện tại, việc thanh khoản đối với phân khúc cao cấp vẫn chưa cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực. Hàng loạt các bất động sản cao cấp ven biển đang gặp khó khăn trong triển khai do thiếu vốn. Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn vốn từ người nước ngoài sẽ giải quyết được vấn đề này.
 
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng bộ phận nghiên cứu và định giá, công ty Savills Hà Nội cho hay luật sửa đổi được thông qua thì chúng tôi đã tiếp nhận rất nhiều sự quan tâm của người nước ngoài đối với việc mua bất động sản trong nước. Cũng có nhiều người cũng có mong muốn là được giữ chỗ để khi luật có hiệu lực thì người ta có thể mua được cái bất động sản mà người ta mong muốn. Điều đó chứng tỏ cái nhu cầu về nhà ở của họ là có thật. Còn về phân khúc để hấp dẫn được người mua nước ngoài thì theo quan sát của chúng tôi, những biệt thự nghỉ dưỡng ven biển, những sản phẩm cao cấp như căn hộ cao cấp, biệt thự trong trung tâm thành phố thì vẫn là đối tượng được người mua nước ngoài quan tâm.
 
Thống kê của Cục đầu tư nước ngoài, Bộ kế hoạch và đầu tư cũng cho thấy xu hướng tín dụng nước ngoài đổ vào bất động sản. Theo đó, tính đến cuối tháng 5, lĩnh vực này đã thu hút hơn 460 triệu đô la Mỹ vốn FDI, với 10 dự án đăng ký mới và 7 lượt dự án tăng vốn đầu tư.

Theo ANTV