Lễ Khai ấn đền Trần vốn là một tập tục có từ thế kỷ XIII, thuộc triều đại nhà Trần. Trải qua bao thế kỷ, chiếc ngọc ấn khi xưa đã không còn. Tuy nhiên, lễ Khai ấn vẫn được duy trì.

Ấn hay còn gọi là Triện, là đại biểu quyền lực của nhà Vua nên còn được gọi là Vương ấn. Nhìn thấy ấn như nhìn thấy nhà vua. Vốn dĩ ấn được dùng để truyền đạt một ý chỉ nào đó của bậc quân vương. Các vị vua triều đại nhà Trần truyền lại ngọc ấn từ đời này sang đời khác. Trên chiếc ngọc ấn, khi xưa, khắc chữ "Trần Triều Chi Bảo", khẳng định vai trò quan trọng của ấn. Sau này, khi khắc lại ấn mới, vua Minh Mạng cho đổi dòng chữ thành "Trần Triều Điển Cố"; đồng thời, cho khắc thêm chữ "Tích Phúc Vô Cương". Chữ này có ý nghĩa là ban phúc lành vô hạn cho dân.

Ngày nay, Khai ấn đền Trần đã trở thành niềm mong mỏi của hàng trăm nghìn người khắp cả nước trong mỗi ngày Rằm tháng Giêng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ấn đền Trần Nam Định hay ấn Sắc mệnh chi bảo ở Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội và nhiều ấn khác nữa, đều không mang đến bổng lộc như mọi người vẫn nghĩ.

Giáo sư Lê Văn Lan cho biết: "Khai ấn là việc báo cho mọi người biết về thời gian nghỉ Tết của quan chức, chính quyền và thời gian bắt đầu làm việc trở lại. Bây giờ người ta hiểu nhầm về khai ấn".

Rõ ràng, không phải cứ có ấn là thăng quan tiến chứ, bởi nếu thế thì ai nhận được ấn cũng thành quan chức. Khi đến những trốn tâm linh, điều quan trọng nhất vẫn là lòng thành kính và cái tâm trong sáng của mỗi người.

Theo VTV