Xóm nghèo Phú Tài (Trà Bồng, Quảng Ngãi) hai năm trở lại đây có con đường đẹp phẳng lì. Ba bé trai 4 tuổi nhà chị Nữ rất thích được bố mẹ dẫn đi dạo trên con đường này. Nhưng chúng toàn phải chờ đợi.

Anh Thành (35 tuổi) - bố của lũ trẻ - làm cơ khí ở nhà máy mía đường tận Gia Lai, cách nhà tới 400 km. Tiết kiệm tàu xe nên vài tháng anh mới về một lần. Còn chị Nữ (30 tuổi) làm cấp dưỡng cho một trường miền núi, chỉ được bên con vào cuối tuần.

Vào tháng 11/2012, khi mang thai ở tuần thứ 9, lần đầu tiên chị Nữ biết đến từ "tam thai". Chị sợ nên giấu tất cả mọi người. Anh Thành cũng không khá hơn vợ, chưa biết mở lời với gia đình thế nào.

Mấy bữa sau, khi cô em chồng hỏi, chị Nữ lấy can đảm nói ra mình đang mang trong bụng ba bé. Gia đình ai cũng lo lắng và quyết định để chị về nhà ngoại chăm sóc khi chồng đi làm xa.

Xuất phát điểm chỉ có hơn 40kg, mang thai chị Nữ lại nghén tới mức không thể nạp được gì vào bụng. Đến ba tháng, sức khỏe chị càng yếu, bị hở eo cổ tử cung. Đi vào Từ Dũ nhưng đến Quy Nhơn chị đã ngất, phải nằm viện tại đây trước khi có người nhà chạy xe từ Quảng Ngãi vào đón về.

Nghỉ ngơi thêm một tuần, anh Thành lại đưa vợ vào Từ Dũ. Huyết áp thấp, lại không ăn được gì nên mẹ yếu, ba thai nhi cũng kém phát triển. Các bác sĩ đều khuyên nên bỏ một thai. "Bác sĩ phân tích những nguy cơ mang bầu đa thai với sức khỏe của vợ tôi. Nhưng cô ấy kiên quyết không bỏ thai nào", anh Thành kể.

Hai vợ chồng lại khăn gói về nhà ngoại.

Qua 4 tháng, chị Nữ có thể ăn được không nôn. Khi thai lớn, da bụng căng hết cỡ làm chị phải gọi người mỗi khi muốn xoay mình. Mờ tối một ngày khi được 28 tuần, chị bị ra máu. Lúc tới được Bệnh viện Đà Nẵng đã nửa đêm. Các bác sĩ thăm khám xong đều lắc đầu lo ngại.

"Tôi và mẹ được gọi vào phòng. Bác sĩ nói vợ tôi đã mở 2 phân mà thai nhi còn chưa được 6 tháng. Tính mạng cả mẹ cả con đều nguy hiểm", anh Thành nhớ lại. Lúc đó anh chỉ biết khóc.

Từ thời điểm này, chị Nữ phải nằm bất động trên giường. Mỗi ngày tiêm 9 ống thuốc, 2-3 bình dịch để tăng cường sức khỏe và giữ thai. Siêu âm các bé đều chưa được một kg. Các bác sĩ động viên chị cố gắng giữ thai đến 34 tuần.

"Tôi bị tiêm nhiều sợ đến mức phải xin bác sĩ nghỉ một tối. Nhưng đêm hôm đó tôi vỡ ối, đến 3h sáng phải mổ luôn", chị kể.

Ca mổ vào ngày 7.5.2013, khi thai nhi mới hơn 32 tuần và là trường hợp sinh ba cùng trứng cực hiếm. Do bị nhiễm trùng máu, vàng da, suy hô hấp, ba bé phải nằm lồng kính. Lúc này, gia đình chỉ biết cầu xin thêm một phép màu.

May mắn ba bé chịu tiếp nhận sữa, cơ thể hồng hào lên trông thấy. 15 ngày sau sinh các con được xuất viện. Sự tiến triển của ba đứa trẻ khiến các bác sĩ cũng phải kinh ngạc.

Giai đoạn sơ sinh là khoảng thời gian thử thách nữa đối với anh chị. Không có một khoản tiết kiệm nào, đồng lương 6 triệu đồng của anh Thành cũng không thể đủ. May nhờ nội ngoại yêu thương mới tạm đủ bỉm sữa cho các bé.

Ba "hoàng tử" lúc ngoan cùng ngoan, lúc ốm cùng ốm. Vào hôm trở trời, mẹ phải pha tới 9 lần thuốc hạ sốt. Trong căn nhà lụp xụp, chẳng có lọ thuốc bổ nào nhưng luôn thủ sẵn ba hộp thuốc hạ sốt.

Chị Cẩm - bác gái của ba bé - vẫn còn hãi nhất lúc 9 tháng tuổi các cháu bị tay chân miệng. Lúc đó chị Nữ đang đưa bé út vào Sài Gòn mổ tinh hoàn ẩn thì hai bé ở nhà bị bệnh này.

"Gia đình cắt cử hai người chăm hai bé ở viện mà cực quá trời. Đến hôm mẹ các cháu vào thay, tôi được về nhà chăm bé út, nhưng ba tiếng sau thì thằng út cũng có triệu chứng bệnh như hai anh. 10 ngày ba bé nằm viện luôn phải có ba người lớn bế ẵm. Mỗi lúc các cháu đau đớn, la khóc là ầm cả viện luôn", chị ái ngại kể.

Theo Danviet