Làng gốm Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam) nay vẫn còn nhiều nhà theo nghề truyền thống của làng, nhưng chủ yếu là các nhà chuyên làm gốm thương mại, các mặt hàng lưu niệm. Chuyên về làm tượng Táo quân chỉ có hai nhà, được nghệ nhân Nguyễn Thị Lan, năm nay 100 tuổi, là nghệ nhân cao tuổi nhất ở làng gốm Thanh Hà truyền nghề.

3 ông Táo ra lò trong... 1 phút

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lan năm nay đúng 100 tuổi, là người đã truyền nghề làm tượng Táo quân cho con cháu ở làng gốm Thanh Hà

Ông Nguyễn Văn Chín, con trai nghệ nhân Nguyễn Thị Lan cho biết: “Làm tượng kỳ công lắm, mà giá thành bán ra bao năm rồi vẫn vậy, thu nhập so với làm các sản phẩm gốm lưu niệm du lịch khác ít hơn nhiều. Nhưng nghề nhà phải giữ và cũng là niềm tự hào khi năm nào các nơi biết tiếng cũng đều tìm về đặt tượng Táo quân nhà mình làm”. Mỗi năm gia đình ông Chín làm ra từ 40.000 -50.000 tượng Táo quân và đều xuất hàng hết trong dịp Tết để phục vụ người dân sắm lễ tiễn ông Táo về trời trong ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm.

Để làm ra một tượng Táo quân phải qua các công đoạn in, sửa nguội (chỉnh sửa chi tiết tượng khi chưa nung), phơi tượng xong rồi mới đưa vào lò nung. Tượng ra lò, sơn màu nữa là hoàn tất. Công đoạn nung là khó nhất, thường một mẻ gốm tượng Táo quân nung hai ngày, phải canh lửa liên tục và đúng kỹ thuật sao cho gốm thành phẩm không non, không già mới đạt.

  Các công đoạn in và sửa nguội trước khi đem tượng phơi khô và nung

  Các công đoạn in và sửa nguội trước khi đem tượng phơi khô và nung

 Tượng Táo quân đã ra lò và hoàn tất sơn màu

 Tượng Táo quân đã ra lò và hoàn tất sơn màu

Xem ông Chín thoăn thoắt tráng khuôn, nhào đất, in tượng và sửa nguổi chỉ trong vòng chưa đến 1 phút, công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. “Nhà có cả 6 người cả người lớn trẻ nhỏ cứ gần Tết đều xắn tay làm tượng ông Táo. Những mấy đứa nhỏ chỉ có thể giúp công đoạn xếp phơi gốm. Còn khâu in, sửa nguội phải có sức và tinh ý mới nhào đất vô khuôn in ra tượng nguội sắc nét. Yếu tay là tượng in ra không rõ chi tiết ngay” - ông Chín nói.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lan, người truyền nghề tạc tượng Táo quân nay đã tuổi cao không thể tự tay làm gốm nữa nhưng cụ vẫn dõi mắt theo con, cháu làm từng tượng Táo quân trong mùa Tết.

Lớn lên theo nghề gốm của làng từ thời còn con gái, cụ Lan sớm học được nghề tạc tượng Táo quân và rất coi trọng nghề nhà. “Cái tượng làm ra tuy nhỏ, nhưng chứa đựng trong đó thành tâm của nhà nghề. Là lễ vật phải tươm tất. Người làm nghề phải nghĩ cho những người mua tượng, ai cũng muốn một lễ đưa ông Táo về trời dù lớn dù nhỏ chi cũng phải tươm tất. Không là mất uy tín, mà mình cũng không tròn cái tâm của mình” - nghệ nhân 100 tuổi của làng gốm cổ 500 tuổi ở Thanh Hà, Hội An nói.


Theo Dân Trí