Đó là tính năng có trong thiết bị kiểm soát thông minh và nâng cao an toàn cho người lái xe sử dụng rượu, của bạn Nguyễn Văn Sỹ, học sinh lớp 11/2 Trường THPT Phan Châu Trinh (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) sáng chế.

Sỹ cho biết, thiết bị được cấu tạo đơn giản, với thiết bị chính gồm: Máy đo nồng độ cồn, bộ xử lý khóa xe máy, máy định vị, điện thoại gọi người thân.

Theo Sỹ nguyên lý hoạt động của máy rất đơn giản, đầu tiên mở khóa xe để cấp nguồn cho thiết bị hoạt động, sau đó người lái xe phải thổi vào một ống gắn ở đầu xe máy để đo nồng độ cồn. Sau đó, hơi thở được đưa về máy đo nồng độ cồn xử lý.

Nếu nồng độ chưa vượt ngưỡng cho phép (0 - 0,2mg/lít khí thở), thiết bị mở dây nguồn của IC xe vì đó là bộ phận phát lửa trực tiếp cho động cơ hoạt động. Màn hình LCD sẽ hiển thị nồng độ cồn và báo cho người lái xe biết "Có an toàn", xe chạy bình thường.

“Em đặt mặc định dưới 0,2mg/lít khí thở để mở xe, nhằm tránh người lái xe vi phạm luật giao thông khi sử dụng rượu, bia. Vì theo luật, người lái xe có nồng độ cồn trong máu trên 0,25mg/lít khí thở, thì bị thổi phạt”, Sỹ cho hay.

học sinh

Thiết bị với giá khoảng 1 triệu đồng

Còn nếu nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép (trên 0,2mg/l khí thở), thiết bị sẽ đóng dây nguồn IC xe máy. Sau đó LCD hiển thị nồng độ cồn lên màn hình và báo "Không an toàn". Lúc đó động cơ xe máy sẽ tự động ngắt, người lái không thể mở xe chạy.

Đồng thời, điện thoại sẽ tự động gọi về một số điện thoại của người thân đã được cài đặt sẵn. Bên cạnh đó, thiết bị định vị đã được cài sẵn sẽ gửi tin nhắn tới số điện thoại vừa gọi, nhằm giúp người thân biết vị trí chiếc xe để đưa người thân về.

“Nếu xe bị tắt do người điều khiển, có nồng độ cồn quá mức cho phép, lúc đó xe chưa tắt hẳn mà thiết bị không cho động cơ xe hoạt động. Nhưng nếu có người bình thường không sử dụng rượu bia thổi vào thì xe lại nổ bình thường”, Sỹ nói rõ.

"Ba em trùm uống bia, muốn làm gì đó cho ba"

Tâm sự về ý tưởng làm thiết bị đo nồng độ cồn, Sỹ kể “Ba em là trùm uống rượu ở xóm, hay say sưa tối ngày, say lên thì chạy xe không vững, thường hay tai nạn. Nên khi nhà trường phát động cuộc thi, em nghĩ ngay đến đề tài này, và chiếc xe máy của ba cũng là phương tiện em thử nghiệm đầu tiên”.

học sinh

Thiết bị đo nồng độ cồn với thiết kế đơn giản, nhỏ gọn

Sỹ cho hay, sau khi có ý tưởng, đã bỏ ra 6 tháng để nghiên cứu thiết bị, trải qua 3 lần thất bại, thì đã chế tạo thành công máy đo nồng độ cồn. Chi phí chế tạo máy dưới 1 triệu đồng, nên dễ áp dụng hàng loạt.

“Nếu có một doanh nghiệp nào, muốn đầu tư để sản xuất hàng loạt, em luôn sẵn sàng giúp đỡ. Vì máy nhỏ gọn, không ảnh hưởng đến việc điều khiển của người lái, nên dễ dàng áp dụng trên tất cả các loại xe máy, cũng như ô tô”, Sỹ cho biết thêm.

Tâm sự về hướng phát triển của máy, theo Sỹ nếu có tiền bạc và vật liệu đầy đủ thì em sẽ tạo ra sản phẩm hoàn thiện hơn với các tính năng: Kiểm tra tình trạng sức khỏe người lái xe gồm đo mạch tim, huyết áp và nhiệt độ cơ thể. Ngoài ra, kết hợp giữa tình trạng sức khỏe và nồng độ cồn đo được trong thiết bị để đưa ra các mức cảnh báo nguy hiểm khác nhau cho người lái xe.

Thầy Phạm Hữu Thức, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh cho biết, Sỹ là một học sinh rất ngoan, học giỏi, đặc biệt rất đam mê sáng tạo, với nhiều ý tưởng đang được ấp ủ. Nhà trường sẽ tạo điều kiện để em phát huy được thế mạnh trong lĩnh vực sáng tạo khoa học cũng như các hoạt động khác.

Với đề tài “Thiết bị kiểm soát thông minh và nâng cao an toàn cho lái xe khi sử dụng rượu bia”, Sỹ đã đoạt giải Nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam dành cho học sinh trung học năm học 2017-2018.

Lê Bằng