1. Cuộc đua gay cấn vào Nhà Trắng

Bầu cử tổng thống Mỹ đã diễn ra vô cùng khốc liệt vào ngày 8/11/2016, với chiến thắng cuối cùng thuộc về ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump, tỷ phú bất động sản 70 tuổi chưa từng kinh qua lĩnh vực chính trị. Ông thu được 306 phiếu đại cử tri, vượt xa đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton. Cũng trong cuộc bầu cử lần này, Đảng Cộng hòa đã chiến thắng giòn giã ở cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ.

2.Khủng bố liên hoàn chấn động châu Âu

 Hàng loạt vụ khủng bố đã xảy ra ở châu Âu trong năm 2016. Hôm 22/3, thủ đô Brussels của Bỉ hứng chịu các vụ đánh bom kinh hoàng khiến ít nhất 23 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương. Vụ tấn công chiều 22/7 ở Munich, Đức, làm 9 người chết, 27 người bị thương. Tại Nice, Pháp, một người Tunisia lái chiếc xe tải 19 tấn lao vào dòng người đông đúc đang dạo chơi trong ngày quốc khánh, khiến 84 người thiệt mạng. Một nghi phạm khủng bố đã lái chiếc xe tải đâm thẳng vào đám đông ở phiên chợ Giáng sinh tại Berlin (Đức) tối 19/12, khiến 12 người chết, ít nhất 48 người bị thương.

3.Anh chia tay EU

Ngày 23/6, cử tri Anh đã bỏ phiếu rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong sự kiện thường được gọi là ‘Brexit’, với 52% số người ủng hộ. Dựa trên kết quả trưng cầu dân ý, Thủ tướng Anh Theresa May hứa hẹn kích hoạt điều 50 của hiệp ước EU, con đường pháp lý dẫn tới Brexit, muộn nhất là vào cuối tháng 3/2017. Sau vụ bỏ phiếu, thị trường tài chính quốc tế lao dốc, đồng Bảng Anh giảm giá mạnh.

4. Tòa trọng tài bác đường lưỡi bò

Hôm 12/7, Tòa Trọng tài thường trực Liên Hợp Quốc (PCA) đã ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, kết luận không có căn cứ pháp lý cho việc Trung Quốc nêu quyền lịch sử với các tài nguyên trong đường chín đoạn. Trong phán quyết, PCA cũng kết luận không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế cho Trung Quốc.

5. Triều Tiên thử hạt nhân gây chấn động

Năm 2016, Triều Tiên đã hai lần thử hạt nhân. Ngày 6/1, Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch có sức công phá mạnh gấp nhiều lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima, Nhật Bản. Đến 9/9, nước này lại kích nổ một đầu đạn hạt nhân. Hai vụ thử đánh dấu tiến bộ vượt bậc của Triều Tiên về năng lực hạt nhân. Bình Nhưỡng tuyên bố, chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chủ quyền đất nước bị xâm phạm.

6. Lãnh tụ Cuba Fidel Castro từ trần

Đêm 25/11 giờ địa phương tức trưa 26/11 (giờ HN), Chủ tịch Cuba Raul Castro tuyên bố trên truyền hình, lãnh tụ Fidel Castro đã qua đời ở tuổi 90. Lãnh tụ Cuba Fidel Castro sinh ngày 13-8-1926. Ông là một nhà cách mạng vĩ đại, một trong những người kiệt xuất nhất của thế kỷ XX. Ông là người đã ghi danh Cuba vào lịch sử nhân loại với cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài, dẫn dắt quốc gia Caribe này đến con đường độc lập ngày hôm nay.

7. Tổng thống Mỹ thăm Cuba

Hôm 20/3, ông Obama đã có chuyến thăm lịch sử Cuba, trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới quốc đảo Caribe sau gần 90 năm. Chuyến thăm là dấu mốc cao nhất về quan hệ ngoại giao giữa hai nước kể từ khi ông Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro tuyên bố bình thường hóa quan hệ vào tháng 12/2014. Qua chuyến đi, Tổng thống Obama muốn cho thấy, quá trình bình thường hóa quan hệ với Cuba là không thể đảo ngược.

8. Đảo chính bất ngờ ở Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 15/7, một nhóm binh sĩ tự xưng là Hội đồng Hòa bình Thổ Nhĩ Kỳ, đã đảo chính nhằm lật đổ chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Phe đảo chính đã chiếm quyền kiểm soát một số địa điểm quan trọng. Tuy nhiên, chỉ sau một ngày, họ đã bị các lực lượng trung thành với chính phủ đã đánh bại. Trong cuộc đảo chính, 265 người đã thiệt mạng, 1.440 người bị thương và hàng nghìn người bị bắt.

9. Châu Âu “nghẹt thở” vì khủng hoảng nhập cư

Năm 2016, làn sóng người di cư tiếp tục tràn vào châu Âu. Câu chuyện những con tàu chở đầy người tị nạn bị đắm ở Địa Trung Hải đã trở thành nỗi ám ảnh với nhân loại. Nhiều chính sách được đưa ra, nhưng chưa hiệu quả. Việc phân bổ hạn ngạch nhập cư khiến EU chia rẽ, trong khi tư tưởng bài ngoại xuất hiện ở nhiều nơi. Châu Âu cũng rơi vào thế nguy hiểm khi khủng bố cài cắm lực lượng vào dòng người tỵ nạn.

10.Vụ tiết lộ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử

Ngày 10/5, Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công khai “Hồ sơ Panama”, liên quan tới việc trốn thuế của giới nhà giàu. Dữ liệu, thuộc về hãng luật Mossack Fonseca có trụ sở ở Panama, tiết lộ việc rửa tiền và trốn thuế liên quan tới 140 chính trị gia, hàng chục tỷ phú và cá nhân nổi tiếng thế giới. Tài liệu cũng đã phơi bày một hệ thống công ty “ma”, lên tới 214.000 tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài dính líu.