Cá thể còn sống đầu tiên của một loài động vật thân mềm cổ xưa vừa được phát hiện ở Philippines, trang New Siencetist đưa tin.

Tuy trông giống một con giun khổng lồ, thực chất con vật cổ xưa này lại một con hà đục gỗ, với tên khoa học là Kuphus polythalamia, thuộc lớp vỏ hai mảnh nhuyễn thể.

Hồi thế kỷ 18, một cái vỏ dài trông giống ngà voi là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự tồn tại của sinh vật dài hàng mét này. Ngoài ra, cũng có một vài mẫu vỏ được bảo quản trong ethanol ở các bộ sưu tập trên thế giới. Nhưng không ai biết chính xác con vật này trông như thế nào cho đến bây giờ khi một nhóm các nhà nghiên cứu vừa “truy lùng” ra một cá thể Kuphus còn sống.

Daniel Distel đến từ Trung tâm Di sản Đại dương ở Đại học Northeastern, Boston nước Mỹ và các cộng sự đã phát hiện vị trí sinh sống tiềm năng của Kuphus trong năm 2010. Đó là khi một cộng tác viên cho họ xem một bản tin của đài Philippine TV, cho thấy một người dân đang ăn một con hà đục gỗ vì tin rằng nó tốt cho sức khỏe.

Nói về phát hiện của mình, Distel nói: "Thật tuyệt với! Tôi đã tìm kiếm chúng trong 20 năm nay. Người hướng dẫn khoa học của tôi, cô Ruth Turner đã tìm kiếm con vật này trong cả sự nghiệp của cô”.

Distel nói thêm: "Thật khó để không ngạc nhiên khi nhìn thấy tận mất con vật, ngay cả khi bạn không biết gì về chúng. Không có loài vật nào khác giống như thế này”.

Hà đục gỗ Kuphus là loài nhuyễn thể dài nhất thế giới và loài duy nhất còn sót lại của chi này. Không giống các loài giun hay sâu bọ khác thường chui vào ăn gỗ, Kuphus sống trong lớp bùn độc hại nhưng giàu chất hữu cơ và có vẻ như không ăn nhiều. Thay vào đó, nó sống dựa vào vi khuẩn cộng sinh trong mang của nó.

Các vi khuẩn phân hủy Hydro sulfua của bùn, khiến môi trường sống của hà đục gỗ bốc mùi hôi thối của trứng, và tạo ra carbon hữu cơ, cung cấp thức ăn cho con vật. Kuphus sống phụ thuộc vào vi khuẩn đến mức nhiều cơ quan tiêu hóa nội tạng của họ đã bị thu nhỏ do ít thức ăn.

Theo Trà My - New Scientist (Dân Việt)