Ở Việt Nam, dù là người lớn hay trẻ nhỏ cũng đang phải tham gia vào một môi trường giao thông chứa đầy rẫy sự nguy hiểm theo kiểu "tiện là chen - thích là lấn". Vì ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người vẫn còn kém.

Nhưng không chỉ riêng những ai đi xe máy, ô tô mới như vậy. Ngay cả những người đi bộ cũng chưa thực sự có ý thức tốt, có vạch kẻ đường cho người đi bộ không sang, cầu hầm đường bộ ít khi dùng tới, người đi bộ sang đường bất cứ nơi đâu họ muốn, bất chấp khu vực cấm hay trèo rào phân cách.

Cúi đầu cảm ơn tài xế, học sinh Nhật khiến cả thế giới bất ngờ - Ảnh 1.
Cúi đầu cảm ơn tài xế, học sinh Nhật khiến cả thế giới bất ngờ - Ảnh 2.

Tuy nhiên, khi clip sang đường rồi lễ phép cúi đầu cảm ơn của các em học sinh tại Nhật Bản được chia sẻ, không ít người phải nhìn nhận lại về cách giáo dục con em mình, họ bày tỏ lòng thán phục trước nền giáo dục toàn diện và sâu sắc của Nhật Bản: nhân cách của con người bắt đầu bằng việc biết "xin lỗi" và biết "cảm ơn".

Trước đó, một đoạn clip cũng được chia sẻ trước sự trầm trồ, ngợi khen không ngớt của cư dân mạng, khi trẻ em Nhật Bản sau khi băng qua đường có hành động rất đáng trân trọng.

Tất cả các em đều quay lại và cúi đầu cảm ơn những chiếc xe đã nhường đường cho mình, mặc dù đây là việc họ phải làm khi đèn tín hiệu giao thông đã chuyển sang màu đỏ.

Hình ảnh đẹp này đã gây bão trong một thời gian dài và giờ đây khi được nhắc lại và cộng thêm việc chính người Việt sống tại Nhật chứng kiến, ghi lại, chia sẻ rộng rãi thì dân mạng mới cảm thấy thực sự "tâm phục khẩu phục".

Nói về giáo dục Việt Nam, PGS., nhà giáo Văn Như Cương đã từng chia sẻ với báo giới rằng: "Phải giáo dục về nhân cách, khiến cho học sinh trở thành những công dân tử tế, không đòi hỏi gì hơn!

Học sinh cần biết sống cao thượng, sống đẹp, biết thương yêu cộng đồng, rồi sau đó mới là kiến thức".

Nhưng suy cho cùng, những hành xử thiếu văn hóa ở trẻ em thường do bắt chiếc từ người lớn. Vì vậy việc học hỏi, tiếp thu cái hay, cái đẹp từ đất nước bạn nên bắt đầu từ những người lớn, sau đó mới tới giáo dục trẻ em trong gia đình và nhà trường.

Đến lúc đó, những bài học về dạy trẻ của người Nhật mới thật sự có giá trị và khi đó chúng ta mới dám hi vọng về những thế hệ trẻ nối tiếp văn minh, lịch sự.

 

Theo Thời đại