Sự mâu thuẫn ở phụ nữ dễ nhìn thấy 

Hoàng Hường:Tôi đã đọc rất nhiều bài phỏng vấn chị Điệp. Tôi ngạc nhiên về quan điểm của chị, chị cho rằng là hạnh phúc của phụ nữ rất là ngắn ngủi, không bền vững. Trong suy nghĩ của tôi, một con người độc lập, mạnh mẽ mới có thể dấn thân vào làm phim độc lập, giữ nhiều vai trò như chị nói ở trên, thậm chí còn là vai trò mở đường. Vậy xem ra quan niệm hạnh phúc mà chị từng chia sẻ có vẻ mâu thuẫn với con người chị?

Nguyễn Hoàng Điệp: Tôi cho rằng bản thể con người đã là mâu thuẫn, dù là đàn ông hay đàn bà. Và sự mâu thuẫn của phụ nữ thì nổi bật và dễ nhìn thấy. Người phụ nữ bừa bộn trong chính suy nghĩ và cảm xúc của mình, giống như là mình sinh ra thì cái mâu thuẫn đó nó đã tồn tại sẵn trong trí não mình rồi.

Trong phim "Đập cánh.." thì chị cũng sẽ rất dễ để nhận ra điều này. Những điều tôi nói mâu thuẫn với cuộc đời tôi thật. Thực ra các nhân vật, nhất là nhân vật nữ cũng tràn đầy mâu thuẫn, tạo ra cảm giác hoang mang, lơ lửng chơi vơi của con người trong cuộc sống của họ.Chắc là chị đúng, bởi vì tôi mâu thuẫn nên tôi làm cái gì đấy nó cứ lộn xộn như vậy.

Nhà báo Hoàng Hường:Tôi từng xem hai bộ phim cũng "rất phụ nữ" là A Separation (Một cuộc chia ly) của Iran được giải Oscar Phim nước ngoài xuất sắc 2012, và  một phim khác của Đức là When we leave (Khi chúng ta bỏ đi). Hai phim cùng nói về hai người phụ nữ đạo Hồi. Khi họ quyết định rời khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc thì họ gặp rất nhiều vấn đề, trắc trở. Trong 'When we leave' người phụ nữ bỏ gia đình chồng ở Instanbul, Thổ Nhĩ Kỳ về với bố mẹ đẻ ở Berlin thì mâu thuẫn xảy ra. Kịch tính được đẩy cao đến mức người anh trai của nhân vật chính quyết định phải giết cô ấy nếu cô không quay lại với chồng để bảo vệ phẩm gía của gia đình, theo cách nhìn của đạo Hồi.  

 Anh/chị có nghĩ rằng, một bộ phim mang bản sắc đậm nét của địa phương/ văn hóa/tôn giáo ở nơi câu chuyện diễn ra sẽ dễ dàng gây chú ý hơn trong các cuộc cạnh tranh quốc tế? 

Vũ Mạnh Cường: Chắc chắn là có, đặc biệt ở xã hội phương Tây. Nếu như chị làm một bộ phim mang đặc trưng bản địa thì chắc chắn gây chú ý. Bởi vì, thường con người ta ham của lạ, muốn biết cái gì đó khác lạ, nên tính đặc trưng riêng thì sẽ thu hút. Thế nhưng việc gây sự chú ý và tạo ra thành công hay không là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. 

Những câu chuyện mang tính bản địa chỉ có thể thành công nếu câu chuyện đó chuyên trở những số phận con người và nhận được sự đồng cảm mang tính nhân loại. Cho dù màu da khác nhau,  xuất thân từ những nền văn hoá khác nhau, nhưng về mặt cảm xúc, tinh thần của con người có lẽ là khắp nơi trên thế giới sẽ có những giá  trị chung. Một bộ phim chỉ có thể thành công được, tuy câu chuyện của anh có thể rất riêng biệt, rất đặc trưng nhưng lại mang cái tầm chung, mới có thể đạt tới thành công.  

Giá trị tinh thần đều có thể chia sẻ

Hoàng Hường:Có hai sự kiện gây chú ý vừa qua là sự kiện phát hành bộ phim 'The Interview' và cuộc tấn công khủng bố vào toà soạn báo châm biếm Charlie Hedbo của Pháp. Hai sự kiện này dấy lên các cuộc tranh luận toàn cầu về quyền tự do ngôn luận và quyền tự do biểu đạt của con người. Như anh Cường vừa nói, làm nghệ  thuật thành công là tạo ra những sản phẩm mà ở đó  con người không phân biệt màu da, không phân biệt quốc tịch, không phân biệt những hệ giá trị khác nhau Vẫn tìm được tiếng nói chung. Có đúng vậy không, theo anh? 

Vũ Mạnh Cường: Tôi nghĩ trước hết chính mình phải biết được nào gì quan trọng, cái nào chấp nhận được, cái nào không, tự do ngôn luận của mình đến giới hạn nào. Nếu như chính bản thân mình chấp nhận được thì mới dễ thuyết phục những người khác. 

Con người có một số quyền cơ bản trong đó có quyền tự do biểu đạt không chỉ ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc, mà còn hầu khắp các hiến pháp của các quốc gia trên thế giới. Còn việc nó có sự liên hệ hay là việc người ta tưởng rằng nó có sự liên hệ giữa quyền tự do biểu đạt với những cái hành động ví dụ như vụ thảm sát vừa rồi ở toà soạn Charlie Hedbo của Pháp; thì tôi cho rằng đó là sự hiểu lầm, hay là sự cố tình gây mối bất hoà mà thôi.  

Về cơ bản tôi nghĩ rằng giá trị về mặt xã hội, tinh thần, văn hoá hay tôn giáo là những giá trị mà chúng ta đều có thể chia sẻ được. Những người như chúng ta có lẽ cả như tôi, chị hay chị Điệp chẳng hạn ít có khái niệm về đạo Hồi; nhưng như ví dụ mà chị lấy ra từ hai bộ phim kia thì vẫn hoàn toàn có thể chia sẻ được, tại vì nó là sự cọ xát giữa con người, với nỗi đau con người.   

Hai khách mời Vũ Mạnh Cường và Nguyễn Hoàng Điệp tại buổi tọa đàm
Nguyễn Hoàng Điệp, điện ảnh, phim độc lập, xã hội, Việt Nam

Nguyễn Hoàng Điệp: Tôi thích ý anh Marcus đặt ra, giống như một câu hỏi mà không cần lời giải đáp. Chúng ta là những người chẳng hiểu biết gì về đạo Hồi hay về đất nước Iran, Thổ Nhĩ Kì; nhưng khi xem những bộ phim đấy, chúng ta có thông cảm với vấn đề của họ hay không?   

Trở lại với điện ảnh Iran, một thời gian VN ca ngợi Iran là nền điện ảnh thần kỳ với sức mạnh vượt thoát. Một quốc gia bị cấm cản rất nhiều thứ, làm những bộ phim với kinh phí thấp nhưng họ đạt được danh tiếng, thành công ở khắp các lĩnh vực phim quốc tế lớn nhỏ. Nhìn nhận công bằng thì chúng ta phải thấy được những cái mới bao giờ cũng sẽ được chú ý, đón chờ; nhưng nếu chỉ có cái mới không, thì tôi nghĩ nó không phải là phim. Có lẽ nó là cái gì đó giống như là phù hợp với chương trình như là Discovery hơn.    

Còn để trở thành một bộ phim gọi là chạm vào cảm xúc của khán giả ở khắp năm châu, như là bộ phim Iran (A separation) đã làm được: hết sức bản địa, đặc sắc văn hoá, khác đến mức chúng ta nhìn thấy thôi đã cảm thấy rất mới mẻ rồi. Nhưng nó lại kể ra được câu chuyện, tạo ra cảm xúc chung đến mức mà chúng ta dù nhìn thấy họ rất khác mà ta vẫn đồng cảm. Đó mới là điều đáng nể và đấy tôi cho rằng đó là lí do các nhà làm phim Iran gặt hái được thành công.    

Hoàng Hường:Quay trở lại với bối cảnh Việt Nam,  xin hỏi các anh chị, liệu, những nỗi đau con người, cuộc sống bề bộn ở một đất nước đang phát triển, đangtrải qua nhiều biến cố với, những giá trị chưa được xác lập thành hệ thống.. liệu có thể coi đây là một môi trường ăm ắp chất liệu điện ảnh? Mà sống và trải nghiệm nó hàng ngày đang là một sự 'thuận lợi' cho những nhà làm phim Việt? 

Nguyễn Hoàng Điệp: Tôi chưa bao giờ nhìn nỗi đau, sự rắc rối, bề bộn của xã hội chúng ta như là một sự thuận lợi hơn trong con đường sáng tác của mình hoặc là tạo cho mình nhiều cảm xúc, chất liệu hơn.... Soi chiếu vào điện ảnh, vào  trong con đường mà mình đi, tôi cũng tự hỏi mình liệu có bao giờ tôi muốn rời khỏi Hà Nội, rời khỏi Việt Nam không, và tôi nhận ra rằng tôi rất thích sự bề bộn của Hà Nội, thích cả sự lộn xộn của xã hội hiện nay nữa.  

Khi tôi sang Châu Âu chẳng hạn, tôi cảm thấy mọi thứ rất chỉn chu, ngay ngắn, mọi người có một vị trí sẵn rồi, nên tôi chẳng thể nào tìm thấy vị trí nào cho mình cả. Nhưng ở quê nhà,  mọi thứ đang còn bừa bộn, nên tôi thấy mình có thể đứng ở bất kì vị trí nào: trong ngõ hẻm cũng được, ngoài phố cũng xong, trên nhà cao tầng hay sang nhà cấp bốn cũng thấy vui; rất đa dạng và rất nhiều cảm xúc, nhưng đó là sự đa dạng và cảm xúc thôi.  

Còn trong phim ảnh thì sự bề bộn chất liệu đó chưa quyết định tất cả, nếu vậy thì quá dễ cho các nhà làm phim quốc gia khác. Vì họ có tiền, có thiết bị, có đầu tư và họ chỉ việc sang VN, Bangkok hoặc đâu đó có bối cảnh tương tự mà làm phim thôi. Ngược lại, chúng tôi có thừa những thứ này rồi, nên chúng tôi cứ đi sang chỗ có tiền và có thiết bị, kiểu như  cả thế giới cứ xâm nhập lẫn nhau, thế là chúng ta sẽ tạo ra toàn tác phẩm đỉnh cao cả. Mà chuyện đó thì không thực tế, hơi hơi giống một phép cộng giản đơn. 

Hoàng Hường:Từ góc nhìn của anh Cường, các nhà làm phim Việt Nam có những điểm mạnh hơn hay điểm yếu hơn với các đối thủ cạnh tranh khác như thế nào? 

Vũ Mạnh Cường:   Tôi đồng ý về mặt chất liệu như chị nói ở trên là thuận lợi. Đi ra nước ngoài vì mình chưa sống đủ lâu trong xã hội đó cho nên còn thiếu trải nghiệm để nhìn thấy vấn đề. Xã hội phương Tây như Pháp, Đức cũng có nhiều vấn đề như xã hội đang già đi. Có một bộ phim của nhà làm phim Đức đã rất thành công khi chỉ xoay quanh câu chuyệnhai người già gặp nhau và làm tình với nhau. Bộ phim chỉ tập trung vào hai người đó thôi. Người xem cảm nhận sự cô đơn, chơi vơi, hoang mang ở tuổi già. Hay vấn đề nhập cư ở Châu Âu.  

Vụ thảm sát Charlie Hedbo cũng liên quan đến vấn đề đó. Những người nhập cư thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra ở Pháp nhưng vẫn có cảm giác họ không thuộc về đất nước này, mà về nơi nào khác. Đó là vấn đề các nhà làm phim phương Tây đã xoáy vào để khai thác. 

Hoặc ngay như trong bộ phim 'Đập cánh…' cũng đặt ra nhiều chuyện: vấn đề nạo phá thai ở tuổi vị thành niên, có thai ngoài ý muốn, quan hệ phụ nữ, đàn ông như thế nào trong xã hôi VN đương đại, nơi đang chuyển mình từ một xã hội rất thuần thứ bậc, đến việc mà người phụ nữ tự quyết định số phận của mình như nhân vật Huyền trong phim.  

Như vậy cũng có thể nói là các nhà làm phim Việt cũng đang có ngồn ngộn chất liệu. 

(Còn tiếp)

Xem tiếp kỳ 3: Ở Việt Nam, 'nhạy cảm' vẫn là vùng không rõ ràng

Tuần Việt Nam

Ảnh: Lê Anh Dũng

Quay phim: Xuân Quý, Đức Yên

Dựng phim: Huy Phúc